Phát hành trái phiếu
HĐND TP Đà Nẵng vừa chính thức thông qua đề án phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu. Toàn bộ số tiền từ phát hành trái phiếu sẽ được nộp vào ngân sách TP để chi cho các chương trình được HĐND TP thông qua.
Ngày 11/7, UBND TP Hồ Chí Minh cũng trình Thường trực HĐND TP phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu CQĐP năm 2014, nhằm huy động nguồn vốn ngoài xã hội, đáp ứng nhu cầu chi đầu tư phát triển, giải ngân cho các dự án theo danh mục HĐND TP thông qua và đã được bố trí kế hoạch vốn.
Trong khi đó theo báo cáo của Sở Tài chính Hà Nội, 6 tháng đầu năm, tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 45,2% dự toán năm. Sở Tài chính đang xây dựng Đề án phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô giai đoạn 2014 - 2015 để đáp ứng kịp thời nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, dự kiến sẽ tổ chức phát hành đợt 1 ngay trong quý III này.
Kiểm tra, giám sát đấu thầu trái phiếu điện tử tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh
|
Theo nhận định của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt, năm 2014, thị trường trái phiếu CQĐP dự kiến tiếp tục phát triển khi nguồn vốn ngân sách không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển của từng địa phương.
Theo thông tin từ các tổ chức tài chính, một số địa phương khác đang có kế hoạch phát hành trái phiếu CQĐP như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ...
Phụ thuộc vào năng lực tài khóa
Xét về khía cạnh kinh tế, việc phát hành và đầu tư trái phiếu cho các công trình giao thông, y tế, thủy lợi, giáo dục… đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc phát hành ồ ạt này cần kiểm soát kỹ, nếu không sẽ xảy ra tình trạng nợ xấu như của ngân hàng và gây áp lực lên nợ công.
Về vấn đề này, Giám đốc Nghiên cứu Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright Vũ Thành Tự Anh cho rằng, khi địa phương phát triển theo thế mạnh mình có thì chắc chắn nhu cầu vay nợ sẽ tăng lên. Bởi nhu cầu vốn để hoàn thiện cơ sở kỹ thuật hạ tầng kinh tế - xã hội thường lớn, trong khi nguồn thu ngân sách địa phương có thể chưa nhiều. Vì thế, không nên nghĩ phát hành trái phiếu CQĐP là việc nhất thời, mà có thể vì mục tiêu phát triển lâu dài của một địa bàn. "Điều quan trọng là trái phiếu CQĐP đó được sử dụng như thế nào, có hiệu quả hay không, có hoàn vốn được không, công trình có mang lại lợi ích dân sinh không? Bởi điều kiện cần và đủ để phát hành trái phiếu CQĐP là khả năng thanh khoản. Đây là một điều quá khó đối với các tỉnh thu chưa đủ bù đắp chi, năng lực tài khóa chưa đủ mạnh", vị chuyên gia giải thích thêm.Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Nội Đào Thái Phúc cho biết, năm 2013, tổng số tiền thu được do UBND TP Hà Nội phát hành 3 đợt trái phiếu là 4.400 tỷ đồng, đến cuối năm giải ngân nguồn vốn này đạt 80,93% (tương đương 3.925 tỷ đồng); tạo nguồn vốn đầu tư kịp thời cho các dự án cấp bách của TP. Năm 2014 này, dự kiến số tiền thu được từ phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô sẽ đầu tư cho 10 dự án trọng điểm của TP và tính toán việc phát hành trái phiếu có kỳ hạn dài hơn.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, để được chấp thuận phát hành trái phiếu CQĐP phải đáp ứng các điều kiện cần và đủ là không được phát hành quá hạn mức quy định và phải có phương án hoàn vốn khả thi cụ thể đi kèm. "Khi có đủ các điều kiện trên thì cơ quan quản lý phải chấp thuận, không có cớ gì để bác cả. Nhưng nếu việc phát hành thực hiện nhiều phải cân nhắc thời điểm phát hành. Còn trên bình diện cả nước, Bộ Tài chính sẽ có trách nhiệm cảnh báo việc tăng dư nợ của chính quyền các địa phương"- vị này chia sẻ.
Theo báo cáo của Chính phủ mới đây, nợ công của Việt Nam đến hết năm 2013 khoảng 54,1% GDP, trong đó nợ Chính phủ chiếm 78%; nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 20,4%; nợ địa phương chiếm 1,6%. Do tỷ trọng nợ của chính quyền T.Ư quá cao trong khi nợ của CQĐP lại rất thấp. Chính vì thế đã có nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc Chính phủ cần phải mạnh dạn tăng cường phân cấp ngân sách hơn nữa, nhất là với các địa phương có năng lực tài khóa mạnh để tập trung đầu tư vào các dự án đầu tư cấp thiết cho các địa phương nhỏ, thu hẹp khoảng cách phát triển vùng miền. |