Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải bài toán việc làm cho sinh viên tốt nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sinh viên (SV) tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm từ nhiều năm nay đã không còn là chuyện hiếm và nguyên nhân được đưa ra thường là thiếu kinh nghiệm, ít kỹ năng làm việc thực tế… và chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Vì thế, để mưu sinh, hầu hết SV mới ra trường đều phải làm việc trái ngành, trái nghề.

Nhiều tiêu chí không đạt

Tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2012, nhưng N.V.H không thể tìm được việc làm bởi các doanh nghiệp đều yêu cầu kinh nghiệm, kỹ năng làm việc theo nhóm... Không cách gì khác, H. phải học thêm một khóa lập trình web và bồi dưỡng thêm một số kỹ năng làm việc. N.V.H chỉ là một trong rất nhiều trường hợp SV tốt nghiệp bị thất nghiệp. Nhiều SV thậm chí còn có tới ba, bốn tấm bằng, chứng chỉ nhưng vẫn phải "trầy trật" mới kiếm được việc làm với mức lương tối thiểu.
Sinh viên FPT Polytechnic Hà Nội nộp hồ sơ và phỏng vấn trực tiếp tại bàn tuyển dụng của Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh.
Sinh viên FPT Polytechnic Hà Nội nộp hồ sơ và phỏng vấn trực tiếp tại bàn tuyển dụng của Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh.
Thực tế khảo sát 150 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội về mức độ đáp ứng công việc của SV tốt nghiệp ĐH cho thấy, khả năng đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp của SV đáng lo ngại. Bà Ngô Thị Thanh Tùng - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, đánh giá chung qua 16 tiêu chí doanh nghiệp đòi hỏi chỉ đạt 3,05 so với mức rất tốt là 5. Ngoài ra, nhiều yêu cầu liên quan đến thành công và sự thăng tiến trong công việc (khả năng làm việc độc lập, khả năng ứng dụng ngoại ngữ) của SV tốt nghiệp cũng chỉ đạt ở mức độ 3.
Trong giai đoạn 2013 - 2017, dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu SV tốt nghiệp. Trong đó có khoảng 33,1% SV khối ngành Tài chính - Ngân hàng - Thương mại, 13,5% SV khối ngành Điện tử - Tin học - Viễn thông và 9,6% SV khối ngành Sư phạm và quản lý giáo dục.
Ông Phạm Văn Sơn - GĐ Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực
Đặc biệt, nhiều chủ doanh nghiệp cho biết các tiêu chí quan trọng góp phần vào thành công cũng như sự phát triển của đơn vị, người lao động cũng không đáp ứng được. Chẳng hạn như hiểu biết về môi trường hoạt động của doanh nghiệp, khả năng chịu áp lực cao trong công việc…

Theo PGS.TS Bá Ngọc - Viện Khoa học Lao động và Xã hội, nguyên nhân của tình trạng này là bởi đào tạo trong trường ĐH còn hạn hẹp, SV học thụ động và phụ thuộc vào giảng viên, trong khi đội ngũ giảng viên lại chưa được đào tạo phù hợp. Một số chuyên gia khác lại cho rằng, hiện nay nhiều trường ĐH chủ yếu tuyển sinh những ngành dễ dạy, dễ học, ít đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, không thí nghiệm và thực hành. Việc không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp cộng với sự mất cân đối giữa cung và cầu nhân lực của các ngành, lĩnh vực càng khiến số SV thất nghiệp nhiều hơn.

Giáo viên làm được công việc của ngành

Để người học có thể nhanh chóng hòa nhập thực tế, năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn của doanh nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng, các trường ĐH nên thay đổi phương pháp đào tạo. Chẳng hạn trang bị cho SV kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, vi tính, rèn luyện tư duy độc lập giải quyết vấn đề, cách nghiên cứu vấn đề, tìm tài liệu. Đồng thời, giáo dục cho SV một số kỹ năng mềm, cách tự học để bổ sung kiến thức sau khi tốt nghiệp. Từ năm học thứ ba ĐH, các trường tăng cường phương pháp giảng dạy tiên tiến như gửi bài tập, tài liệu học qua mạng; tăng giờ tham gia hội thảo do nhà trường hoặc khoa phối hợp với doanh nghiệp tổ chức; tổ chức những khóa học ngắn hạn có chứng chỉ. Đây chính là tiền đề căn bản để SV hội nhập thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp.

Giải bài toán SV thất nghiệp, theo PGS.TS Phạm Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực, Bộ GD&ĐT, đó là nhà trường hợp tác để doanh nghiệp tiếp nhận nguồn nhân lực; tổ chức hội thảo, tạo điều kiện để SV có cơ hội tiếp xúc thực tế.