Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải cứu các trường?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Gần 2 tháng sau khi năm học mới bắt đầu, Bộ GD&ĐT đã ban hành chính sách đặc thù trong tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) nhằm "giải cứu" những trường đang lâm vào cảnh "khát" sinh viên.

Dù lãnh đạo ngành giáo dục khẳng định, đây không phải là biện pháp nhằm lấp đầy chỉ tiêu ở một số trường, nhiều chuyên gia vẫn lo ngại về khả năng "thượng sách" này sẽ biến thành "hạ sách".

“Đóng cửa” vì không tuyển đủ

Trên thực tế, ngay cả khi thời gian xét tuyển bổ sung được kéo dài đến 30/11, nhưng nhiều trường công lập đã thông báo tạm "đóng cửa" một số ngành có quá ít thí sinh (TS) đăng ký. Ngành CĐ Sư phạm Mỹ thuật, ngành Quản trị kinh doanh và Luật kinh tế (liên kết với ĐH Kinh tế, ĐH Luật và ĐHQG TP. HCM) của ĐH Quảng Nam đã không thể mở lớp do số TS đăng ký chỉ đếm trên đầu ngón tay. 
 
Giải cứu các trường? - Ảnh 1
Cần có cơ chế đặc thù việc tuyển sinh với những vùng kinh tế khó khăn.Ảnh: Quỳnh Anh

ĐH Phú Yên cũng tạm dừng mở lớp với 4 ngành là văn học, lịch sử, Việt Nam học và sinh học, còn ĐH An Giang tạm dừng tuyển sinh 4 ngành: Sư phạm Tin học, Sư phạm Sinh học, Chăn nuôi ở cả hệ ĐH lẫn CĐ…Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng mặt bằng văn hóa giữa các vùng có độ chênh nhất định nên điểm thi của TS khu vực được hưởng chính sách đặc thù thường thấp hơn so với điểm chuẩn của cả nước. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác mà Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã chỉ ra như uy tín của trường chưa đủ để hút TS, hoặc những ngành nghề đào tạo của các trường này không còn "nóng".

Chẳng hạn trường đào tạo về kinh tế quản lý được coi như đầu đàn của cả nước là ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Kinh tế thuộc ĐH Đà Nẵng hàng năm chỉ tuyển NV1 đã thừa chỉ tiêu, năm nay chỉ đạt 75 - 85% do khối ngành kinh tế quản lý không còn sức hút.

Tạo cơ chế phù hợp để thí sinh vào học

Để giải cơn “khát” sinh viên cho một số trường, Bộ GD&ĐT đã cho phép một số tỉnh, thành phố thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ thực hiện chính sách đặc thù là lấy dưới điểm sàn 1 điểm trong tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy từ năm 2012.

Sau quy định "mở" này, nhiều trường ĐH đã công bố xét tuyển bổ sung dưới điểm sàn và ưu tiên cho thí sinh ở 20 huyện, thị xã (khu vực Tây Nam Bộ) như ĐH Tiền Giang, ĐH Yersin Đà Lạt, ĐH Trà Vinh… Tuy nhiên, nhiều người lo ngại việc lấy dưới điểm sàn này sẽ đi vào lối mòn là đào tạo chạy theo số lượng và ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào.

Trong chuẩn điểm sàn ĐH. 14 điểm đã ở mức trung bình, khi hạ thấp thêm 1 điểm nữa, ngành giáo dục đã mở toang cánh cửa ĐH cho một lượng sinh viên có chất lượng đuối hơn mặt bằng chung rất nhiều. Theo GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, chính sách này về hình thức là cứu TS, cứu trường nhưng thực chất là làm hại hai đối tượng này và tác động tiêu cực đến cả nền giáo dục. Ông Phan Huy Phú, Phó Hiệu trưởng ĐH dân lập Thăng Long cho biết: "Nếu TS học thật sự thì không vấn đề gì, chỉ lo các em học lấy lệ, hoặc chỉ nộp tiền mà không đi học, cuối cùng chỉ cốt để lấy bằng như học tại chức thì đáng ngại…".

Theo ông Phú, chủ trương này chỉ nên dành cho các trường đào tạo nhân lực tại các địa phương khó khăn. Bản thân lãnh đạo các trường thuộc khu vực này cũng cho rằng chủ trương hạ điểm ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực cho vùng núi, vùng xa là đúng đắn. Tuy nhiên, để đầu vào quá thấp không ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra, ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho rằng trường sẽ dành nhiều thời gian hơn để bồi dưỡng kiến thức cho các em.