Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải cứu thành công 33 thợ mỏ Chile: Những người thách thức "Diêm vương"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dù đói khát, khó thở, Urzua vẫn động viên đồng nghiệp gắng sức ra tín hiệu với mặt đất. Các thợ mỏ thay nhau dùng búa đập vào mũi khoan dò.

KTĐT - Dù đói khát, khó thở, Urzua vẫn động viên đồng nghiệp gắng sức ra tín hiệu với mặt đất. Các thợ mỏ thay nhau dùng búa đập vào mũi khoan dò.

Chiến dịch giải cứu tốn gần 20 triệu USD đã kết thúc, nhưng dư luận không bận tâm đến chuyện tiền bạc. Họ đã hài lòng vì cả 33 thợ mỏ đều lên mặt đất an toàn.

Sau 22 giờ 36 phút liên tục, từ nửa đêm cho đến hết ngày 13/10 (tức 8h sáng 14/10, giờ Hà Nội), cuộc giải cứu “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử ngành khai thác mỏ thế giới đã thành công rực rỡ. 33 thợ mỏ bị mắc kẹt ở độ sâu 700m suốt hơn 2 tháng trời đã trở lại mặt đất an toàn. Sức mạnh nào đã giúp các thợ mỏ làm được điều đó?
 
Giải cứu thành công 33 thợ mỏ Chile: Những người thách thức "Diêm vương" - Ảnh 1

Sung sướng tột độ khi người cuối cùng bước ra.

 
Vụ tai nạn hiếm có trong lịch sử
 
Ngày 5/8, tại khu mỏ khai thác vàng San Jose (thành phố Copiapo, Chile), một vụ sập hầm kinh hoàng diễn ra, chôn vùi nhiều công nhân dưới lòng đất. Ba tuần sau, người ta bất ngờ phát hiện ra 33 thợ mỏ vẫn còn sống và bị mắc kẹt ở độ sâu khoảng 700m, đang trong tình trạng cực kỳ nguy kịch. Phương án khẩn cấp được triển khai: Một ống tiếp tế nhỏ được cắm thẳng xuống khu vực gặp nạn để cung cấp dưỡng khí, nhu yếu phẩm và thiết bị liên lạc cho các công nhân.
 
Các kế hoạch đưa người lên mặt đất liên tục được gấp rút đưa ra nhưng cũng phải đến 0 giờ 10 phút ngày 13/10 (tức 69 ngày kể từ lúc tai nạn), chiếc lồng cứu hộ Phoenix (Phượng Hoàng) mới đưa người thợ mỏ đầu tiên ngoi lên mặt đất trong niềm vui sướng vỡ òa của người dân khắp đất nước Chile.
 
> Đích thân Tổng thống Chile, Sebastian Pinera là người đậy nắp hố giải cứu. Camp Hope trở thành địa danh lịch sử của Chile.
 
> Theo báo chí phương Tây, hơn 1 tỷ người trên thế giới theo dõi hình ảnh thợ cả Urzua bước ra khỏi lồng cứu hộ, chính thức khép lại cuộc giải cứu thần kỳ.
 
> Vì vụ sập hầm này mà thợ mỏ Yonni Barrios Rojas bị vợ phát hiện có nhân tình. Tình nhân của Barrios Rojas thậm chí còn đến tận hiện trường để cắm trại đợi người yêu được giải cứu.
69 ngày dưới “địa ngục” là 69 ngày thử thách lòng gan dạ, sức chịu đựng bền bỉ của các công nhân vốn coi lòng đất như nhà mình. Tuy nhiên, hơn 2 tháng dưới độ sâu 700m thiếu ánh sáng, dưỡng khí, ẩm ướt và mòn mỏi chờ đợi sẽ đủ để đánh gục những con người kiên cường nhất nếu họ không tự tiếp lửa niềm tin cho nhau và kế hoạch giải cứu bị chểnh mảng dù một giây.
 
Thật may, ở độ sâu 700m, các công nhân đã có một thủ lĩnh tinh thần vĩ đại. Và trên mặt đất, cả đất nước Chile đều hướng về những người thợ mỏ với niềm tin và quyết tâm mãnh liệt nhất.
 
Người thợ già dưới lãnh địa “Diêm vương”
 
23h30 ngày 13/10 (giờ địa phương), Luis Alberto Urzua – người công nhân thứ 33 bước ra khỏi lồng cứu hộ trong tiếng hò reo của hàng nghìn người tại khu Camp Hope (đồi Hi vọng), trước sự chứng kiến của hàng nghìn phóng viên quốc tế. Đó là khoảnh khắc xúc động chẳng kém lúc người đầu tiên (Florencio Avalos) được cứu lên. Tổng thống Chile Sebastian Pinera sung sướng ôm chầm lấy Urzua. Tiếng cười, tiếng la hét, tiếng khóc, tiếng tù và, tiếng còi hú vang động cả vùng mỏ vốn hoang vắng. “Chiến dịch” đã thành công!
 
Cảm xúc ấy được nhân lên vài lần bởi rất nhiều người biết về Alberto Urzua. Ông đã 54 tuổi, không phải là già nhất trong số 33 thợ mỏ gặp nạn, nhưng cũng không trẻ và khỏe mạnh như đa số công nhân khác. Vậy nhưng, người thợ cả này vẫn tình nguyện là người cuối cùng bước vào lồng sắt cứu hộ. Ông phải đợi suốt 1 ngày để đến lượt mình, để yên tâm chứng kiến từng đồng nghiệp lên mặt đất an toàn.
 
Giải cứu thành công 33 thợ mỏ Chile: Những người thách thức "Diêm vương" - Ảnh 2

Ôm chầm lấy người thân.

 
Người thợ già này chính là thủ lĩnh tinh thần của các công nhân mắc kẹt trong suốt quãng thời gian qua. 17 ngày sau khi sập hầm và mất liên lạc với mặt đất, Urzua đã động viên tất cả tiếp tục vững tin, tìm mọi cách để sống sót. Robinson Marquez – một đồng nghiệp của Urzua nói: “Ông ấy luôn biết bảo vệ và yêu quý những người thợ của mình. Người như ông ấy sẽ không bao giờ rời hầm sau khi tất cả đã an toàn”. Quả thật, trong suốt 17 ngày (trước khi liên lạc được với mặt đất) đối mặt lưỡi hái thần chết ấy, nếu không có tài dẫn dắt và xoay sở của Urzua, rất có thể những người thợ mỏ đã phó thác mạng sống vào “sổ Diêm vương”.
 
Urzua phân chia khẩu phần ít ỏi theo một cách khoa học, công bằng để tất cả đủ sống và hi vọng tiếp. Họ chỉ ăn trung bình trong vòng 48 tiếng 2 thìa cá thu hộp, một nửa cốc sữa, một nửa chiếc bánh quy và chia nhau một giỏ đào may mắn sót lại. Bộ trưởng Khai thác mỏ Chile Laurence Golborne nhận xét: “Cách họ phân chia thức ăn và hành xử trong cuộc khủng hoảng này là gương cho tất cả chúng ta”.
 
Dù đói khát, khó thở, Urzua vẫn động viên đồng nghiệp gắng sức ra tín hiệu với mặt đất. Các thợ mỏ thay nhau dùng búa đập vào mũi khoan dò. Chính nỗ lực này đã giúp đội cứu hộ bắt được “sóng”, thậm chí còn nhận được một mẩu giấy ghi “33 người chúng tôi vẫn sống khỏe!”. Sau đó, đời sống trở nên “tươm tất” hơn. Họ được ăn 5 bữa/ngày, được nói chuyện với người thân qua hệ thống điện đàm, để tiếp tục chờ ngày thoát khỏi “địa ngục”.
 
Giải cứu thành công 33 thợ mỏ Chile: Những người thách thức "Diêm vương" - Ảnh 3

Người thợ già Urzua (đeo kính) bên tổng thống Pinera.

 
Một Chile khác
 
Vậy là chiến dịch giải cứu tiêu tốn gần 20 triệu USD đã kết thúc. Nhưng dư luận không bận tâm nhiều đến chuyện tiền bạc. Họ đã hài lòng vì cả 33 thợ mỏ đều lên mặt đất an toàn – chỉ vài người có vấn đề về răng miệng, mắt và tiêu hóa nhưng không quá nghiêm trọng, vì người đứng đầu nhà nước đã sát cánh cùng với các công nhân trong thời khắc quan trọng nhất, vì nhận thấy một Chile chung một niềm tin và sức mạnh tinh thần đang khiến cả thế giới chú ý và trân trọng.
 
Giải cứu thành công 33 thợ mỏ Chile: Những người thách thức "Diêm vương" - Ảnh 4

Báo chí quốc tế “quây” cuộc giải cứu đặc biệt.

 
Ông Sebastian Pinera, Tổng thống Chile không tiếc lời ca ngợi các thợ mỏ đã kiên cường tồn tại suốt hơn 2 tháng trời dưới lòng đất. Gọi người thợ cả Urzua là “thuyền trưởng vĩ đại”, ông Sebastian Pinera xúc động: “Sau sự kiện này, anh sẽ khác, đất nước chúng ta sẽ khác. Hãy đến ôm vợ và con gái mình đi”.
 
“Tôi nghĩ rằng chưa bao giờ đất nước Chile đoàn kết và mạnh mẽ đến thế. Chúng ta đang khẳng định giá trị của mình trong mắt bạn bè quốc tế. Tai nạn này có thể là một thảm kịch nhưng sự đoàn kết, niềm tin, lòng trung thực và tinh thần một lòng của người Chile trong suốt 69 ngày qua khiến tất cả chúng ta phải lấy làm tự hào”, ông Sebastian Pinera nói.