Giai đoạn 2 “ứng cứu” giai đoạn 1?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 4/4, Tổng Công ty CP Vinaconex đã trả lời chính thức về những vấn đề liên quan...

Kinhtedothi - Chiều 4/4, Tổng Công ty CP Vinaconex đã trả lời chính thức về những vấn đề liên quan đến sự cố võ đường ống dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với ông Phạm Chí Sơn - Giám đốc Ban Đối ngoại pháp chế và ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco) về những vấn đề liên quan đến sự cố cũng như dự án nước sông Đà.

Nguyên nhân nào khiến tuyến ống truyền tải nước sạch sông Đà bị vỡ nhiều lần, do chất lượng đường ống hay do nền đất yếu và xử lý nền đất chưa đạt yêu cầu?

Ông Phạm Chí Sơn: Các lần xảy ra sự cố đều xuất hiện đột ngột. Vào các thời điểm vỡ ống, điều kiện vận hành tuyến ống đều ở trạng thái làm việc ổn định, áp lực và lưu lượng chung của hệ thống đều thấp hơn so với thiết kế. Cũng không thấy có các khác biệt về điều kiện lắp đặt thực tế so với các điều kiện như nêu trong hồ sơ hoàn công, trừ lần sự cố thứ 5 xảy ra tại khu đô thị Xanh Villas có chiều sâu lớp đất lớn hơn từ 2 - 3m so với thiết kế và tuyến ống nằm dưới lòng suối nhân tạo của khu đô thị.     

   
Khắc phục sự cố vỡ đường ống dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội hôm 1/4.
Khắc phục sự cố vỡ đường ống dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội hôm 1/4.
Ông Nguyễn Văn Tốn: Hiện nay chưa xác định được chính xác cụ thể nguyên nhân xảy ra sự cố. Đây là công trình ngầm dưới đất, là tuyến ống duy nhất (độc đạo), khi xảy ra sự cố, mọi nguồn lực của Tổng công ty đều tập trung vào khắc phục nhanh để cấp nước ngay nên có hạn chế trong việc tìm hiểu nguyên nhân. Tổng Công ty đang phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước như Cục Giám định Bộ Xây dựng thực hiện kiểm tra xác định nguyên nhân gây nên sự cố. Hiện, chúng tôi đang chờ kết luận về nguyên nhân sự cố của Cục Giám định để có giải pháp xử lý tổng thể. 

Một số chuyên gia đã lên tiếng cho rằng, trên tuyến có nhiều vị trí có nền đất yếu và nghi ngờ hiệu quả xử lý tại các vị trí có nền đất yếu của dự án?

Ông Phạm Chí Sơn: Công tác thiết kế của Dự án được thực hiện theo đúng các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn của pháp luật hiện hành, căn cứ trên tài liệu khảo sát địa chất những vùng có nền đất yếu đều đã có phương án xử lý. Địa chất và địa chất thủy văn tại các điểm vỡ không có khác biệt so với thiết kế nhưng phát hiện cho thấy phần lớn các khu vực nền đất yếu đã được xử lý như cầu vượt sông, hầm chui, dưới lòng sông nhân tạo nằm dọc Đại lộ Thăng Long.

Ông Nguyễn Văn Tốn: Tại khu vực có nền đất yếu, ống được thiết kế ngắn hơn nhằm tăng độ biến dạng. Bên cạnh đó, khi thi công cũng đã áp dụng biện pháp trộn xi măng, cát vào lớp đệm. Khi thực hiện dự án, do không thể tiến hành khảo sát từng mét đường trên tổng chiều 47km của toàn tuyến nên cũng có khả năng xuất hiện khu vực nền đất yếu tại khu vực nằm ở giữa của 2 lỗ khoan khảo sát. Ngay cả khi đào các khu vực xảy ra sự cố thì cũng rất khó xác định nguyên nhân có phải là do nền đất yếu hay không bởi khi đó toàn bộ đất của khu vực bị nước tràn ra đều đã trở thành bùn.

Đã xảy ra sự cố tới lần thứ 5, vậy, Tổng Công ty và các đơn vị có liên quan đến dự án có giải pháp gì?

Ông Phạm Chí Sơn: Tổng Công ty đã thành lập Ban chỉ đạo xử lý sự cố sử dụng tối đa nguồn lực và các điều kiện cần thiết để khắc phục nhanh sự cố. Công ty Viwasupco có lực lượng theo dõi thường trực 24/24 giờ trên dọc tuyến để thường xuyên chủ động kiểm tra rà soát để xác định các điểm xung yếu và có biện pháp xử lý trước nhằm hạn chế việc xảy ra sự cố. Công ty cũng thành lập đội phản ứng nhanh để sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra trong thời gian nhanh nhất. Nhờ việc chuẩn bị chu đáo của các bộ phận liên quan nên thời gian khắc phục sự cố đã giảm từ 72 giờ xuống còn trong vòng 24 giờ.

Ông Nguyễn Văn Tốn: Công ty CP Viwaco - đơn vị phân phối nước đã có phương án cấp nước dự phòng cho người dân trong trường hợp có sự cố trong đó có giải pháp lấy nước ngược lại thông qua đồng hồ 2 chiều từ các tuyến ống cấp nước của TP Hà Nội do Công ty Nước sạch Hà nội Hawaco quản lý.  

Những giải pháp nêu trên chỉ là trước mắt, nhằm khắc phục hậu quả của sự cố vỡ đường ống truyền tải, điều mà người dân mong đợi đó là giải pháp mang tính lâu dài, để không còn phải nơm nớp lo thiếu nước sinh hoạt?

Ông Phạm Chí Sơn: Về giải pháp lâu dài, Tổng Công ty và Công ty CP Viwasupco đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục đầu tư để sớm triển khai đầu tư giai đoạn 2 của dự án - tuyến ống truyền tải nước sạch thứ 2. Để thực hiện được giai đoạn 2, cần có sự hỗ trợ của Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội, đơn cử như cơ chế tài chính để doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi bởi đặc thù của ngành nước là giá đầu ra bị khống chế.

Ông Nguyễn Văn Tốn: Theo kế hoạch, trong tháng 6 đơn vị tư vấn lập dự án sẽ hoàn tất báo cáo nghiên cứu khả thi cho giai đoạn 2 để lấy ý kiến của các ban, ngành. Đồng thời với việc lập dự án giai đoạn 2, đơn vị tư vấn sẽ tiến hành đánh giá lại hiệu quả, chất lượng của giai đoạn 1 để từ đó đưa ra những bước đi phù hợp và khắc phục các nhược điểm của giai đoạn 1. Nếu được ủng hộ thì giai đoạn 2 sẽ được triển khai vào cuối năm 2014, đầu năm 2015. Tuyến truyền dẫn thứ hai có hai nhiệm vụ, nhiệm vụ thứ nhất là khi tuyến 1 có sự cố thì tuyến 2 sẽ hỗ trợ, "gánh" nhiệm vụ cấp nước  cho các khu vực bị ảnh hưởng; nhiệm vụ thứ hai là đưa 80.000m3 nước còn đang ứ đọng trên tuyến đến với người dân vì hiện nay giai đoạn 1 có công suất 300.000m3/ngày đêm nhưng mới chỉ sử dụng 220.000m3/ngày đêm.

Xin cảm ơn các ông!

 
Trả lời cho câu hỏi liệu giai đoạn 2 của dự án có sử dụng ống cốt sợi thủy tinh như giai đoạn 1, đại diện của Tổng Công ty Vinaconex cho biết, Tổng Công ty đã thuê một đơn vị tư vấn có khả năng và năng lực để lập dự án đầu tư, đơn vị tư vấn sẽ đề xuất về việc sử dụng vật liệu làm ống cho phù hợp. Sau khi có ý kiến của tư vấn thiết kế, Tổng Công ty sẽ đưa ra quyết định lựa chọn vật liệu cho tuyến ống.