Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải mã cuộc “tháo chạy” tại dự án cao tốc gần 12 nghìn tỷ

Theo Vneconomny
Chia sẻ Zalo

Sau khi SCIC rút khỏi dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn thì mới đây, liên danh nhà đầu tư do UDIC đứng đầu cũng buông bỏ dự án gần 12 nghìn tỷ...

Sau khi SCIC rút khỏi dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn thì mới đây, liên danh nhà đầu tư do UDIC đứng đầu cũng buông bỏ dự án gần 12 nghìn tỷ.
Lần lượt bỏ cuộc
Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng mức đầu tư là 11.765 tỷ đồng được khởi công từ tháng 10/2015, tiến độ dự kiến hoàn thành trước 31/12/2018. Dù đã đi được hai phần ba quãng đường nhưng tiến độ triển khai dự án vẫn chậm như “rùa”. Trong khi đó, mới đây, liên danh nhà đầu tư do Công ty Cổ phần đầu tư UDIC đứng đầu đã “giương cờ trắng” bỏ cuộc.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, Bộ Giao thông Vận tải nên có xử phạt rõ ràng khi nhà đầu tư vi phạm hợp đồng - Ảnh minh họa.
Theo đó, ngày 17/3, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản thông báo dự kiến chấm dứt hợp đồng với liên danh này. Lý do được Bộ này đưa ra là liên danh đã vi phạm Điều 14 hợp đồng BOT số 15 ngày 25/11/2016 về huy động vốn chủ sở hữu, vốn vay và Điều 57 hợp đồng dự án về bảo đảm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng.
Cụ thể, tính đến tháng 3/2017, liên danh nhà đầu tư này mới huy động được 550 tỷ đồng/1.294 tỷ đồng vốn chủ sở hữu theo quy định của hợp đồng BOT. Cùng đó, toàn bộ vốn tín dụng phục vụ cho dự án lên tới hơn 10.000 tỷ đồng hiện mới chỉ dừng ở mức cam kết chung chung, chưa dự kiến được thời điểm ký hợp đồng tín dụng, lộ trình giải ngân cho nguồn vốn này.
Ngày 9/3 vừa qua, liên danh nhà đầu tư do UDIC đứng đầu đã cùng ký vào văn bản với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị việc chuyển nhượng dự án lại cho Geleximco thực hiện. Việc cùng ký vào văn bản với Geleximco đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư cũ đã chính thức thừa nhận không đủ năng lực triển khai, chấp nhận “buông” dự án.
Cũng cần phải nhắc lại, đây không phải là lần đầu tiên nhà đầu tư “giương cờ trắng” buông bỏ dự án gần 12 nghìn tỷ. Còn nhớ, hồi tháng 7/2015, chỉ sau một tháng động thổ dự án, Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (thuộc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC) cũng xin rút khỏi dự án nói trên.
Sự “tháo chạy” của SCIC khiến cho liên danh nhà đầu tư dự án từ chỗ 6 doanh nghiệp tụt xuống chỉ còn 5 (Công ty Cổ phần Đầu tư UDIC, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, Công ty Cổ phần Đầu tư 468, Công ty Cổ phần Giao thông Xây dựng số 1, Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà).
Trong đó Công ty Cổ phần Đầu tư UDIC đứng đầu liên danh với tỷ lệ góp vốn khi đó gần 30% đã gánh thêm 13% phần góp vốn của SCIC.
Tiếp đó, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cũng từng xin giảm tỷ lệ đầu tư từ 25% xuống chỉ còn 5%.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn có tới 2 liên danh, doanh nghiệp xin thôi không đầu tư làm nảy sinh nghi ngờ về năng lực nhà đầu tư.
Trong khi đó, nhà đầu tư mới được đề nghị chuyển nhượng dự án là Geleximco cũng từng buông tay dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, khiến Bộ Giao thông Vận tải phải tìm cách giải cứu tuyến cao tốc hướng tâm quan trọng này.
Trong văn bản đề nghị này, Geleximco nói muốn cùng đối tác của mình được tham gia vào dự án với tỷ lệ tối thiểu khoảng 70%. Tuy nhiên, Geleximco cũng mới chỉ cho biết sẽ thu xếp được khoảng 5.800 tỷ đồng trên 11.765 tỷ đồng tổng vốn đầu tư dự án từ các ngân hàng ABBank,TPBank, Agribank. Số vốn này chưa chiếm đến 50% vốn để triển khai.
Theo kế hoạch trước đây, dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn sẽ đưa vào khai thác trong năm 2017.
Nhưng với cảnh kẻ đi người ở như hiện nay, dự án liệu có đảm bảo hoàn thành như kế hoạch?
Trách nhiệm thuộc về ai?
Ông Lê Thắng - Phó tổng giám đốc Ban Quản lý dự án An toàn giao thông, cho biết, do nhà đầu tư chưa ký được hợp đồng tín dụng nên công tác thi công trên hiện trường bị chững lại. Khối lượng thi công chủ yếu tập trung trên tuyến Quốc lộ 1 cũ.
Hiện tại, các nhà thầu đã cơ bản hoàn thành công tác thảm bê tông nhựa polymer của 6 - 7 gói thầu, giá trị khoảng 925 tỷ đồng, còn lại 3 gói thầu chưa triển khai. Trên tuyến mới (tuyến cao tốc), gần như chưa triển khai được gì.
Ông Thắng cho biết thêm, khó khăn lớn nhất của dự án là việc nhà đầu tư không vay được nguồn vốn tín dụng.
“Ngay từ giữa năm 2016, chúng tôi đã lường trước được việc này và chủ động làm văn bản đề xuất Bộ Giao thông Vận tải bổ sung nhà đầu tư có đủ năng lực và tìm kiếm được ngân hàng tài trợ vốn. Hiện nay, Ban đã tiến hành rà soát khối lượng thực hiện của nhà đầu tư để sẵn sàng chuẩn bị phương án khi Bộ thay đổi nhà đầu tư dự án”, ông Thắng nói.
Không chỉ dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, rất nhiều dự án giao thông khác đang gặp khó khăn về tài chính. Điều này nói lên vai trò quan trọng của Bộ Giao thông Vận tải trong việc lựa chọn nhà đầu tư, xử lý nhà đầu tư không đủ năng lực.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong trường hợp này trách nhiệm đầu tiên phải quy về Bộ Giao thông Vận tải, liệu rằng trong quá trình lựa chọn nhà thầu có tổ chức đấu thầu không hay chỉ định thầu?
“Đầu tư BOT không có trong đầu tư công nên có cơ chế riêng, không phản ứng đúng năng lực của nhà đầu tư về tài chính, quản lý, thi công dẫn đến nhiều thất thoát. Đây là bài học cho cơ quan chức năng về việc lựa chọn thầu và phải có biện pháp xử lý cụ thể, không thể bỏ qua”, ông Long nói.
Đối với nhà đầu tư, theo chuyên gia Ngô Trí Long, Bộ Giao thông Vận tải nên có xử phạt rõ ràng khi nhà đầu tư vi phạm hợp đồng.
Đi sâu phân tích riêng trường hợp thu hút nguồn vốn theo hình thức BOT, vị chuyên gia này cũng cho rằng tại các dự án BOT hiện nay, có chủ đầu tư “tay không bắt giặc”, chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, khi tham gia các dự án, ngân hàng cũng phải đối mặt với khá nhiều rủi ro như rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản và rủi ro hoạt động. Trong quá trình thực hiện dự án, nếu thấy nguồn cung ứng vốn không an tâm, ảnh hưởng đến nợ xấu thì ngân hàng giảm niềm tin, không cho vay.
“Để đẩy mạnh thu hút nguồn vốn cho BOT, Bộ Giao thông Vận tải phải tổ chức đấu thầu, thẩm định năng lực nhà đầu tư rõ ràng, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực về tài chính, quản lý, thi công thì các tổ chức tín dụng mới có thể rót vốn”, ông Long nói.