Kinhtedothi - Năm 2014 là một năm khó khăn với ngành du lịch nước nhà bởi nhiều lý do khách quan. Cả nước trong năm vừa qua chỉ thu hút được thêm 4% lượng du khách quốc tế so với năm trước. Trong bối cảnh đó, Hà Nội vẫn là một trong ít điểm đến hàng đầu của khu vực và ngành du lịch Thủ đô vẫn giữ được sự tăng trưởng ấn tượng 16%. Điều gì tạo nên sự hấp dẫn đó?
Nét văn hóa đặc sắc
Hà Nội có sức hút với khách du lịch từ nét văn hóa riêng, rất đặc sắc của mình. Câu hỏi văn hóa Hà Nội khác với những vùng, miền còn lại của Việt Nam như thế nào đã được nhiều nhà văn hóa làm sáng tỏ. Trong đó, nét thanh lịch của con người, hội tụ và tỏa sáng của những di sản cha ông để lại trên mảnh đất văn hiến nghìn năm này luôn là điều hấp dẫn du khách nhất.
Chị Lu-xi Xếch-tơn (Lucy Sexton), một nhà báo chuyên nghiệp của Mỹ, đến Hà Nội làm cộng tác viên cho tờ Vietnam News của TTXVN. Chị có rất nhiều dự án viết bài, qua đó cần tiếp xúc với nhiều người Hà Nội. Sau hơn một tháng “thâm nhập thực tế”, chị kể với tôi rằng: “Khi chia sẻ, người Hà Nội luôn thể hiện mình như những người bạn. Đó là điều tôi thật sự cần trong công việc làm báo. Trong khi đó, người dân ở nhiều thành phố lớn trong khu vực không có được phong thái như vậy. Khi bạn là người nước ngoài, bạn nói chuyện với người dân địa phương, bạn luôn được đặt trong quan hệ người khách, người thụ hưởng dịch vụ”.
Du khách nước ngoài đến tham quan Hoàng Thành Thăng Long.
|
Tất nhiên, trường hợp như Lu-xi là khá đặc biệt. Bởi công việc của người làm báo có nhiều góc độ khác so với khách du lịch. Tuy nhiên qua đó, cũng có thể thấy quan điểm của bạn bè quốc tế khi giao tiếp với người dân địa phương. Điều họ cần chính là những sẻ chia chân tình của những người bạn. Và tại Hà Nội, họ luôn tìm thấy được sự giao lưu chân tình đó.
Vào ngày 30/12/2014, TP Hà Nội đã đón vị khách quốc tế thứ 3 triệu. Vị khách may mắn đó là bà P.Ê-lê-ni (P.Eleni), quốc tịch Hy Lạp. Bà P.Ê-lê-ni đến Việt Nam để du lịch khám phá. Bà cho biết, đây là lần đầu đến Việt Nam và biết đến Hà Nội qua lời giới thiệu của bạn bè. Giống như bà P.Ê-lê-ni, nhiều vị khách du lịch khác đến Hà Nội theo lời giới thiệu của bạn bè. Dễ thấy, quảng bá “truyền miệng” là một kênh thông tin quan trọng và bền vững nhất. Và sức hút văn hóa của Hà Nội nói chung và người dân Hà Nội nói riêng đã khiến cho bè bạn quý mến, cảm phục, tự nguyện trở thành những “sứ giả du lịch” riêng cho Hà Nội.
Di sản phong phú
Có thể thấy rằng, ít nơi trên đất nước Việt Nam ta có mật độ di sản “đậm đặc” như ở Hà Nội. Ngay trong trung tâm Hà Nội, với một vòng tròn bán kính chừng 3 cây số, bạn có thể gặp được hai di sản thế giới đã được UNESCO công nhận. Đó là Di sản Hoàng Thành Thăng Long và Di sản Ký ức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội. Di sản phi vật thể có nghệ thuật hát ca trù; quan họ; ví, giặm; hát xoan… cũng đang được lưu giữ ngay giữa lòng Hà Nội. Về lễ hội có Hội Gióng ở ngoại thành Hà Nội cũng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2010. Vậy là chỉ riêng qua “kênh” quảng bá di sản của UNESCO, chúng ta thấy Hà Nội cũng có nhiều lợi thế hơn các địa phương khác.
Du khách nước ngoài đến tham quan Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
|
Cuối năm 2014 vừa rồi, tại Khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long lại phát lộ thêm nhiều trầm tích văn hóa, làm rõ thêm bức tranh của kiến trúc, văn hóa tín ngưỡng, sinh hoạt của người Thăng Long nói chung và triều đình phong kiến Việt Nam nói riêng qua các triều đại: Lý, Trần, Lê sơ, Nguyễn. Các lớp “trầm tích văn hóa” cho thấy sự tiếp nối, kế tục lâu dài của các triều đại trên một nền đất ổn định. Rộng ra, chúng ta thấy chiều sâu văn hóa Hà Nội-Thăng Long đã có một chiều dài lịch sử đáng ngưỡng mộ. Đây chính là điều mà nhiều du khách quốc tế muốn kiếm tìm trong các hành trình khám phá văn hóa các vùng, miền của mình. Và Hà Nội luôn là địa chỉ số một!
Lợi thế giao thông
Hơn một nghìn năm trước, khi chọn đất Thăng Long để định đô, vua Lý Thái Tổ đã nhắc đến lợi thế này. Trong Chiếu dời đô có viết: "Huống chi, thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng, tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt, phồn thịnh".
Ngày nay, ta có thể thấy lại điều đó qua bản đồ du lịch. Khi muốn đi tham quan các địa danh nổi tiếng như: Hạ Long, Tràng An, Cao nguyên đá Đồng Văn, SaPa… Hà Nội là điểm trung chuyển gần nhất và tiện lợi nhất. Trong bán kính 100km, từ Hà Nội có thể dễ dàng đến với Tràng An, Rừng quốc gia Cúc Phương, Nhà thờ đá Phát Diệm ở Ninh Bình; Đền Trần ở Nam Định; thưởng thức không gian quan họ ở Bắc Ninh; tham quan làng dân tộc Thái ở Mai Châu, Hòa Bình. Vươn xa hơn chừng 200-300km, du khách có thể tham quan tất cả những danh lam thắng cảnh tuyệt vời của miền Bắc Việt Nam.
Và cái hay là giao thông rất thuận lợi, có đủ các loại hình phương tiện chuyên chở, từ máy bay, tàu hỏa, xe ô tô, thậm chí cả xe gắn máy-phương tiện yêu thích của nhiều bạn trẻ thích du lịch dã ngoại, khám phá.
Giá cả cạnh tranh
Đối với một bộ phận không nhỏ khách du lịch quốc tế đi du lịch bình dân thì yếu tố giá cả luôn được cân nhắc hàng đầu. Giá cả ở Hà Nội luôn hấp dẫn bộ phận du khách này. Để có một sự so sánh, chúng ta hãy xem qua các bảng giá phòng khách sạn ở một số thủ đô của các nước trong khu vực như: In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po... dễ thấy giá thuê phòng khách sạn ba sao của Hà Nội tính bình quân chỉ bằng khoảng 50%-70%.
Ngoài ra, giá các loại đồ ăn, thức uống ở Hà Nội cũng thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Trên diễn đàn của trang web TripAdvisor, nhiều du khách đã tính bình quân một bữa ăn ở Hà Nội chỉ dao động trong khoảng 5 đô-la Mỹ. Chi phí cho một ngày sinh hoạt khoảng 10 đô-la Mỹ, như vậy là rất hợp lý cho giới du lịch trẻ có thu nhập thấp từ tiết kiệm các khoản chi tiêu ở đất nước họ.
Có một điều đáng mừng là hầu hết, du khách quốc tế đều “mê” món ăn của Việt Nam. Nhận xét chung trên các diễn đàn cho thấy, thức ăn Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng rất hợp khẩu vị, ít chất béo và rất đa dạng, phong phú. Món phở và cà phê của Hà Nội luôn trong tốp đầu những món ngon, hấp dẫn nhất châu Á. Khi khảo sát trên những trang web du lịch này, chúng tôi cảm thấy rất bất ngờ khi du khách còn liệt kê các món bún thang, bún chả, bún cá... kèm với lời khuyến cáo “nên thưởng thức một lần trong đời”. Với những lời mời chào xác đáng từ những du khách quốc tế yêu thích Hà Nội như vậy, thật khiến người ta khó cưỡng lại ý muốn ghé thăm Hà Nội.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch, nói: “Thực tế thì ngành du lịch nói chung, Hà Nội nói riêng đã rất quan tâm đến vấn đề xây dựng văn hóa du lịch, qua đó đã xây dựng được hình ảnh một Hà Nội thanh lịch, mến khách. Du lịch Hà Nội đã cho thấy hướng đi đúng trong nâng cao nhận thức xã hội về du lịch như một ngành kinh tế”.