Giải ngân vốn ODA: “Địa phương nào không làm được thì báo cáo Thủ tướng cắt vốn”

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- “Các địa phương nào không làm được thì báo cáo Thủ tướng điều chuyển vốn, cắt vốn, thậm chí sang năm 2021, 2022 không bố trí vốn nữa. Phải có chế tài mạnh mẽ”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài diễn ra sáng nay 29/10.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị

Đây là hội nghị lần thứ 3 trong 3 tháng qua mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì nhằm kiểm tra tình hình giải ngân cũng như tháo gỡ các vướng mắc khi giải ngân, một trong những yếu tố quan trọng tác động tới tăng trưởng kinh tế.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2020, số vốn nước ngoài Thủ tướng đã giao là 60.000 tỷ đồng (các bộ, cơ quan Trung ương 21.516 tỷ đồng, địa phương là 38.484 tỷ đồng). Tính ngày 31/10, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài đạt 18.089 tỷ đồng, bằng 30,15% kế hoạch, trong đó các bộ, cơ quan Trung ương giải ngân được 5.824 tỷ đồng đạt 27,07% dự toán, còn địa phương là 12.256 tỷ đồng đạt tỷ lệ 31,87% dự toán được giao.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính ước đến ngày 31/10, phần lớn các bộ, cơ quan Trung ương có mức giải ngân thấp, riêng Bộ GTVT có mức giải ngân cao nhất với tỷ lệ 44,8%. Các địa phương có mức giải ngân khá gồm Tây Ninh (91,74%), Bình Định (73,26%), Cao Bằng (62,58%), Hà Nam (61,64%), Bắc Kạn (60,66%), Lai Châu (60,61%), Khánh Hòa (53,89%), Kiên Giang (52,82%), Hải Phòng (52,71%), Sóc Trăng (52,37%), Điện Biên (51,55%).

“Điều này cho thấy ý chí và quyết tâm của cấp lãnh đạo trong công tác chỉ đạo, điều hành và có các giải pháp tháo gỡ kịp thời các khó khăc, vướng mắc có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Thời gian còn lại của năm 2020 chỉ có 2 tháng. Đến nay, giải ngân vốn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước đạt trên 60%, là mức cao nhất từ trước đến nay. Giải ngân ODA cũng có chuyển biến, nhưng tỷ lệ còn thấp.

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng giải ngân vốn thấp, theo Thủ tướng, nguyên nhân đầu tiên mà nhiều địa phương gặp phải là giải phóng mặt bằng chậm. Đây là vấn đề thuộc trách nhiệm của các địa phương. Thứ hai là nhiều địa phương khi đề nghị vay vốn ODA đã không chuẩn bị vốn đối ứng phù hợp, dẫn đến khi triển khai thiếu vốn và nhà tài trợ không chấp thuận giải ngân. Thứ ba là việc giải quyết các thủ tục để triển khai dự án rất chậm trễ. Thủ tướng yêu cầu nếu thiếu cơ chế nào thì cần phản ánh lên Chính phủ. Còn nếu có tình trạng cơ quan chức năng, cá nhân nào gây khó khăn, phiền hà về thủ tục ODA hay vòi vĩnh thì phải phản ánh kịp thời để xử lý nghiêm. Thứ tư là có tình trạng chủ đầu tư tìm những nhà thầu kém năng lực, khiến lúng túng và không có kinh nghiệm trong tổ chức thi công. Bên cạnh đó, có tình trạng công tác chuẩn bị dự án của các địa phương, các ngành sử dụng vốn ODA còn sơ sài, đơn giản, lấy lệ. Trong công tác chỉ đạo chưa quan tâm đến giải ngân.  

Yêu cầu các cơ quan, địa phương nêu cả những vướng mắc từ phía các nhà tài trợ, nhưng Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên nhân nội tại là chính. Do đó, phải giải quyết được các điểm nghẽn này để không chỉ thúc đẩy giải ngân trong năm nay mà cả các năm tiếp theo. Với những địa phương có vốn lớn, giải phóng mặt bằng khó khăn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số ngành lại giải ngân rất tốt. Thế nhưng một số địa phương điều kiện thuận lợi hơn, không khó khăn lớn về giải phóng mặt bằng, nhưng triển khai lúng túng, không tập trung chỉ đạo, khiến giải ngân vốn chậm, trong đó có ODA.

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo: "Giải pháp thứ nhất là thẩm quyền của người nào, của cơ quan nào, ban quản lý nào thì các đồng chí tự giải quyết theo pháp luật, không thể “đá quả bóng” từ địa phương lên Trung ương. Thứ hai là phải quyết chí trong công tác lãnh đạo chỉ đạo. Địa phương nào không làm được, phải báo cáo Thủ tướng để điều chuyển vốn, cắt vốn, thậm chí năm 2021-2022 không bố trí vốn. Phải có chế tài mạnh mẽ”. Thủ tướng nêu rõ, 2 tháng còn lại các địa phương, bộ ngành phải quyết liệt làm sao để ODA là nguồn lực hỗ trợ quan trọng cho phát triển trong thời gian tới. Các lãnh đạo các cấp quan tâm chỉ đạo tránh trường hợp có vốn có tiền không tiêu được.

Tại hội nghị, một số địa phương có tình hình giải ngân vốn ODA khả quan như tỉnh Bình Định đạt 87,79% kế hoạch, Hà Nội (51,97%), Bộ GTVT… cũng đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện đồng thời cam kết quyết liệt giải ngân vốn ODA đạt tỷ lệ cao nhất 90 – 100%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần