Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải Nobel Hóa học 2012 thuộc về người Mỹ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hôm nay (10/10), hai nhà khoa học người Mỹ là Robert Lefkowitz và Brian Kobilka đã được vinh danh trong giải thưởng Nobel Hóa học năm 2012 cho công trình đột phá của họ về cách các thụ quan của tế bào cơ thể phản ứng với môi trường.

Lefkowitz, 69 tuổi, là giáo sư y sinh và sinh hóa thuộc trường Đại học Duke University ở North Carolina, còn Kobilka, sinh năm 1955, là giáo sư ngành phân tử và sinh lý học tế bào tại trường y thuộc Đại học Stanford ở California.
 
Giải Nobel Hóa học 2012 thuộc về người Mỹ - Ảnh 1
Nhà khoa học Robert Lefkowitz và Brian Kobilka
Theo ủy ban trao giải, giải Nobel năm nay dành cho hóa học nhưng hưởng lợi lại chính là ngành y tế. Hai nhà khoa học đã được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao giải Nobel Hóa học năm nay vì công trình nghiên cứu của họ đã đưa ra những phát hiện mang tính đột phá, cho thấy cách thức các thụ quan chủ chốt của tế bào trong cơ thể người phản ứng với môi trường xung quanh.
 
Bằng cách chà sát bề mặt tế bào, làm cho chúng nhạy cảm hơn với các phân tử ánh sáng, mùi vị, hóa chất và các phân tử trao đổi thông tin với nhau, nghiên cứu của 2 nhà khoa học đã mở ra cái nhìn sâu sắc về cơ chế hoạt động ở mức phân tử, giúp giới khoa học bào chế những loại thuốc hiệu quả hơn và có ít tác dụng phụ hơn.    

 
Kể từ khi giải Nobel Hóa học được trao năm 1901 - 2011, đã có tổng cộng 161 nhà khoa học được nhận giải, nhưng trong đó chỉ có 4 nhà khoa học nữ. Trong số này, chỉ có duy nhất một người là nhà khoa học Anh Frederic Sanger được vinh dự hai lần nhận giải, lần lượt vào các năm 1958 and 1980.
 
Theo quy định, hai đồng chủ nhân của giải Nobel Hóa học năm nay sẽ cùng nhận tổng giá trị giải thưởng  8 triệu crown (1,2 triệu USD) tại lễ trao giải vào ngày 10/12 tới.

Nobel Hóa học là giải thưởng thứ ba được công bố trong mùa Nobel năm nay. Trước đó, hôm 9/10, nhà khoa học Serge Haroche người Pháp và David Wineland người Mỹ đã được trao giải Nobel Vật lý 2012 nhờ công trình của họ về việc đo và can thiệp vào các hạt trong khi vẫn giữ được bản chất cơ học lượng tử của chúng. Ngày 8/10, nhà khoa học Shinya Yamanaka của Nhật Bản và John B. Gurdon của Anh trở thành những người đầu tiên được xướng danh khi nhận giải Nobel Y học 2012.