Theo số liệu của Sở Công Thương, Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, trong đó có khoảng 200 làng nghề truyền thống và có đến ¼ trong số các làng nghề truyền thống đó có tuổi đời trên 100 năm. Những năm gần đây, các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi những giá trị lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ làng nghề qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
|
Bên cạnh những lợi ích về
kinh tế, xã hội, loại hình du lịch này còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của các làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, môi trường, hoat động sản xuất và cảnh quan của các làng nghề hiện nay đang bị biến đổi bởi tác động của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông thôn.
Cùng với sự chung tay của cộng đồng, công tác quản lý xây dựng và bảo tồn các làng nghề truyền thống ở Hà Nội đang ngày càng chặt chẽ; bộ máy quản lý cũng được tăng cường, củng cố, cảnh quan chung của khu vực làng nghề đã được chú ý giữ gìn... Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều tồn tại và thách thức cản trở sự phát triển của các làng nghề theo hướng phát triển bền vững.
Để phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống trong thời điểm hiện nay, nhất là khi Hà Nội đang tập trung vào công tác xây dựng nông thôn mới, các giải pháp mà Hội KTS Hà Nội đưa ra là: Thành phố cần hoàn thiện bộ khung pháp lý bảo tồn di sản văn hóa làng nghề truyền thống. Chú trọng công tác nghiên cứu quy hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Có chính sách hỗ trợ các làng nghề trong việc quy hoạch, giữ gìn bản sắc văn hóa các làng nghề. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giới thiệu tiềm năng du lịch của TP, trong đó có sản phẩm du lịch của làng nghề. Nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ thợ thủ công mỹ nghệ có trình độ thẩm mỹ, kiến thức khoa học, về truyền thống và văn hóa làng nghề.
Đặc biệt là, tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của người dân đối với việc bảo tồn các giá trị truyền thống của làng nghề.