Đứng thứ 2 về thị phần XK vào thị trường Mỹ (chỉ sau Trung Quốc), ngành dệt may, da giày Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội để chiếm lĩnh thị phần tại thị trường này khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực.
Giải pháp chiếm lĩnh thị trường Mỹ cho ngành dệt may, da giày
Tại hội thảo “Triển vọng của ngành dệt may - da giày Việt Nam tại thị trường Mỹ” do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) phối hợp với đơn vị tổ chức hội chợ Sourcing at Magic tổ chức tại TP.HCM cuối tuần qua, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại TP.HCM cho biết, Hiệp định TPP vừa mới chính thức hoàn tất giai đoạn đàm phán. Hiện hơn 60% hàng dệt may của Việt Nam XK sang Mỹ và Nhật Bản - 2 thị trường chủ chốt trong đàm phán TPP.
Sau khi TPP được kí kết, các DN dệt may, da giày Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để tăng cường XK vào các thị trường của TPP với mức thuế suất về 0%. Bên cạnh đó, DN có thể cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh để vượt qua được những yêu cầu của Hiệp định và những rào cản kĩ thuật mà các nước đang dựng lên để bảo vệ sản xuất của các ngành hàng tương ứng trong nước họ. Tại thị trường Mỹ, XK dệt may của Việt Nam năm 2015 có thể sẽ tăng lên 13% so với năm 2014, đạt trên 11 tỉ USD. Dự báo khi TPP được thực thi thì với những ưu đãi trong khuôn khổ TPP, tổng kim ngạch XK của Việt Nam có thể tăng lên mức trên 20%, nghĩa là Mỹ sẽ trở thành thị trường XK lớn nhất của Việt Nam.
Cùng quan điểm như trên, ông Christopher Griffin, Chủ tịch Sourcing at Magic (Mỹ) cho biết, Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 2 về XK dệt may, da giày vào thị trường Mỹ với mức tăng trưởng XK năm 2014 của dệt may là 12,3% và da giày là 17,3%. Điều đáng chú ý là trong khi các nước XK dệt may, da giày vào Mỹ kể cả Trung Quốc đều tăng trưởng âm thì riêng XK hai mặt hàng này của Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng khá cao trong những năm gần đây. Theo thống kê, thị phần NK dệt may, da giày từ Việt Nam vào thị trường Mỹ trong những năm gần đây tăng dần, trong khi thị phần NK các mặt hàng này từ Trung Quốc lại đang giảm dần. Không chỉ vậy, xu hướng chuyển dịch các nhà máy sản xuất dệt may, da giày XK đi Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam ngày càng gia tăng, nguyên nhân là do Việt Nam đang có lợi thế về chi phí hơn so với Trung Quốc, ngoài ra, uy tín của hàng hóa Việt Nam cũng cao hơn Trung Quốc. Đây là cơ hội để các DN mở rộng sản xuất, xây dựng sản phẩm chất lượng cao.
Theo các chuyên gia, những cơ hội mà TPP mang lại cho Việt Nam là vô cùng to lớn. Tuy nhiên không phải khi có hiệu lực, TPP sẽ mang lại ngay những lợi ích cho DN. Việc tận dụng cơ hội của TPP như thế nào còn tùy thuộc vào những chính sách cũng như nỗ lực của Chính phủ và chính DN. Do vậy, các DN dệt may, da giày cần có giải pháp và chiến lược thích hợp để mở rộng XK, chiếm lĩnh thị phần tại thị trường Mỹ.
Chia sẻ kinh nghiệm chiếm lĩnh thị trường Mỹ, ông Christopher Griffin cho biết, cộng đồng người mua hàng của Mỹ không chỉ là các cửa hàng, siêu thị mà còn là bán lẻ. Nhiều nhà bán lẻ dù không nổi tiếng nhưng lại sở hữu một hệ thống phân phối rộng khắp và có nhu cầu về nguồn hàng lớn từ các nhà XK, ví dụ như Buckle có tới 500 cửa hàng bán lẻ tại Mỹ. Zappos là trang thương mại điện tử hàng đầu của Mỹ về hàng dệt may, da giày. Đây chính là cơ hội kinh doanh cho các DN Việt Nam. Bên cạnh đó, xu hướng mua hàng của người tiêu dùng tại Mỹ đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Nếu như trước đây các DN bán lẻ thường phải chuẩn bị hàng hóa trước 3-4 tháng và mua với số lượng nhiều thì hiện nay người tiêu dùng có xu hướng mua sắm gần mùa hơn, mua ít hơn nhưng thường xuyên hơn. Người tiêu dùng tại Mỹ cũng quan tâm nhiều đến các sản phẩm có thiết kế riêng. Điều này đòi hỏi các DN phải có khả năng cung cấp hàng càng nhanh, càng tốt, đồng thời, phải linh hoạt hơn và quan tâm hơn đến khâu thiết kế để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng về số lượng, chất lượng hàng hóa, thời gian giao hàng, các chuyên gia cho biết, việc thực hiện các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững cũng là yếu tố được các nhà NK ưu tiên khi lựa chọn các nhà cung cấp. Thực hiện các tiêu chuẩn này không chỉ đáp ứng yêu cầu của khách hàng mà còn giảm thiểu rủi ro, mang lại hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Do vậy, các DN nên đầu tư thực hiện các chứng chỉ WRAP, ISO với sự chứng nhận của các bên thứ 3 để chứng minh việc tuân thủ trách nhiệm xã hội của mình. Bên cạnh đó, kĩ năng giao tiếp, sự chủ động trong tìm kiếm, tiếp cận khách hàng... cũng là các yếu tố giúp mang lại thành công cho DN.