Theo thống kê tại các tòa nhà văn phòng, việc nâng cao ý thức của người sử dụng trong việc sử dụng năng lượng bằng cách thiết lập hệ thống quản lý năng lượng giúp tiết kiệm 5 - 10% chi phí năng lượng; sử dụng máy điều hòa hiệu suất cao tiết kiệm 10 - 15% chi phí; cải thiện hệ thống chiếu sáng giúp tiết kiệm 3 - 5% chi phí; giảm thiểu sự thâm nhập của nhiệt (điều chỉnh luồng không khí, đóng chặt các cửa, cải thiện vỏ tòa nhà) tiết kiệm 2 - 4% chi phí; bảo dưỡng đèn, điều hòa thường xuyên sẽ giúp tiết kiệm 2 - 3%...
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Tuy nhiên, thông tin từ Văn phòng TKNL (Bộ Công Thương) cho thấy, nhiều công trình tòa nhà ở nước ta ít sử dụng các biện pháp TKNL cho dù rất đơn giản để hạn chế sự bức xạ nhiệt như màn cửa, hành lang, ban công, sử dụng mái kim loại không có hoặc không đủ cách nhiệt… Đồng thời, hầu hết không sử dụng các biện pháp đòi hỏi chi phí cao để chống thâm nhập nhiệt như tường nhiều lớp cách nhiệt, mái kép…
Bên cạnh đó, sự lưu thông không khí tự nhiên trong các tòa nhà chưa được quan tâm trong thiết kế, các biện pháp TKNL ít được chú trọng. Sở dĩ như vậy cũng là do nhà đầu tư tòa nhà chưa nhận ra hiệu quả đầu tư cho các biện pháp TKNL, và bản thân nhà thiết kế chưa chú trọng hoặc thiếu năng lực, kinh nghiệm…
Ông Nguyễn Kinh Luân, Chuyên gia về năng lượng (Bộ Công Thương) khuyến cáo: Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần nâng cao ý thức của người sử dụng để sử dụng năng lượng tại các tòa nhà hợp lý. Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp TKNL trong hệ thống chiếu sáng, như sử dụng thiết bị TKNL. Trên thực tế, việc thay thế bóng đèn huỳnh quang hiệu suất cao tại nhiều siêu thị đã giúp tiết kiệm tới 25 - 35% chi phí năng lượng trong chiếu sáng so với trước. Ngoài ra, có thể tận dụng triệt để lợi thế của ánh sáng mặt trời, chuyển từ việc dùng thiết bị cung cấp nước nóng sử dụng gas, dầu hoặc điện sang dùng bình đun nước nóng năng lượng mặt trời, bơm nhiệt. Trong đó, việc sử dụng bình đun nước nóng năng lượng mặt trời là xu hướng hấp dẫn cho các toà nhà mới.