Giải pháp chống ngập lụt của một số nước trên thế giới

Trình Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, câu chuyện ngập lụt không chỉ là vấn đề riêng của Hà Nội, Việt Nam, mà đã trở thành vấn đề chung của nhiều quốc gia. Để chống chọi với ngập lụt, mỗi quốc gia đều đã chọn áp dụng những biện pháp tối ưu phù hợp với đặc điểm riêng.

 Năm 1993, Chính phủ Nhật quyết định xây kênh thoát nước ngầm ngoại vi đô thị, hay còn gọi là dự án G.
Thủ đô Kuala Lumpur gần với nơi hợp lưu của 2 dòng sông lớn tại Malaysia nên hàng năm, người dân TP hiện đại bậc nhất Đông Nam Á này cũng phải “kêu trời vì lụt”. Để khắc phục tình trạng trên, lãnh đạo TP này đã quyết định xây dựng một đường hầm "2 trong 1", vừa dùng để thoát lũ và phục vụ giao thông. Cụ thể, trong điều kiện thời tiết bình thường, đường hầm sẽ được sử dụng như hầm đường bộ bình thường cho xe cộ qua lại. Tuy nhiên, khi nước sông tràn bờ, nó sẽ được chuyển thành một kênh thoát lũ ngay bên dưới những con đường, giúp cho các con đường phía trên không bị ngập. Và từ khi đưa vào hoạt động, đường hầm này đã hạn chế được tình trạng ngập úng tại thủ đô Kuala Lumpur.
TP Tokyo (Nhật Bản) cũng có lợi thế gần sông tiện cho giao thương và nguồn nước cung cấp cho người dân. Tuy nhiên sau mùa Đông tuyết tan, rồi lượng nước mưa ập đến, nỗi lo ngập lụt lại bao phủ TP này. Năm 1993, Chính phủ Nhật quyết định xây kênh thoát nước ngầm ngoại vi đô thị, hay còn gọi là dự án G. Dự án mất 13 năm để hoàn thành với kinh phí 3 tỷ USD. Công trình này còn được gọi bằng cái tên điện Pantheon dưới lòng đất.

Công trình vĩ đại này gồm 5 trụ chứa cao 75m, rộng 32m được nối với nhau bằng đường ống dài 6,3km, đường kính 10m và nằm sâu dưới mặt đất 50m. Đường ống này sẽ dấn một bể chứa nước khổng lồ cao 25m, dài 177m, rộng 78m - rộng hơn một sân bóng. Mỗi khi mưa lớn, nước sẽ được dẫn từ các trụ chứa tới bể chứa khổng lồ. Sau đó, nước từ bể chứa sẽ được bơm ra sông Endo với các máy bơm công suất lớn để tránh ngập cho toàn TP.

Trong khi đó, tại Singapore, thông qua hệ thống sông, cống và kênh, nước mưa ở 2/3 diện tích Singapore được đưa vào 17 hồ chứa để xử lý trước khi đưa vào sử dụng. Trong số này, công trình phức hợp đập - hồ chứa Marina là quan trọng nhất và được thế giới đánh giá rất cao. Đập Marina hoạt động thông qua hệ thống các cổng và máy bơm. Công trình bao gồm 9 cổng thép cao 5m, rộng 30m trên thành đập, trải dài qua con kênh rộng 350m và 7 máy bơm có tổng công suất hút 280m3 nước mỗi giây. Mỗi cổng nặng 70 tấn và mỗi máy bơm có khối lượng 28 tấn.

Trong điều kiện bình thường, những cánh cổng vận hành bằng thủy lực này đóng kín. Khi trời mưa to nhưng thủy triều thấp, cổng sẽ mở để xả nước lũ xuống biển. Khi mưa nặng hạt kết hợp với thủy triều cao, cổng đóng trong khi máy bơm được kích hoạt để bơm hút nước lũ xuống biển. Nhờ hệ thông này, tình trạng ngập lụt giảm hẳn ở các khu vực nằm ở vị trí thấp của Singapore như Chinatown, Jalan Besar và Geylang.

Ngoài các siêu dự án chống ngập kể trên, hiện nay người dân ở nhiều TP trên thế giới cũng tìm cách "sống chung với ngập" bằng các công nghệ quy mô hộ gia đình hay khu phố đơn cử như Water Gate. Thiết kế của Water Gate là một thiết bị nhựa PVC thông minh sử dụng áp lực của dòng nước để ổn định chính nó. Khi thấy dòng nước đang tràn tới, người sử dụng chỉ cần trải tấm nhựa này ra giữa đường. Phần tiếp xúc với mặt đất sẽ tự dính chặt trong khi phần bên trên của nó sẽ tự phình to ra và chặn dòng nước đang đổ tới. 152m chiều dài dễ dàng được triển khai trong vòng 2 phút, và chặn đứng dòng nước cao đến 2m.

Hay Quick Dams - sản phẩm ngăn chặn nước ngập lụt được bán chạy nhất ở Bắc Mỹ, nó xuất hiện ở khắp các cửa hàng và những trang thương mại điện tử lớn. Với chiều dài 5m, 10m và 17m, Quick Dams sử dụng chính dòng nước làm đập chặn nước. Được cấu tạo từ vật liệu thấm nước, khi dòng nước tiến đến, Quick Dams sẽ hút hết nước vào bên trong và phình to ra thành những bức tường cao để chặn đứng dòng nước…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần