Lượng mưa ngày càng lớn Theo phân tích của TS Hồ Long Phi - Giám đốc Trung tâm quản lý nước và khí hậu (Đại học Quốc gia) thì những yếu tố lớn gây nên lụt là các cơn mưa có lượng nước trên 100mm ngày càng nhiều (mỗi năm 3 lần). Bên cạnh đó, quá trình bêtông hóa, đô thị hóa thiếu kiểm soát đã chiếm nhiều diện tích thoát nước. Cụ thể, trong trận mưa lớn mới đây, theo ghi nhận của Công ty Thoát nước Hà Nội, từ lúc 23h ngày 24/5 đến 4h30 ngày 25/5, lượng mưa đo được tại Vân Hồ 187,1mm, Cầu Giấy 277,8, Mễ Trì 235,5mm, ngã Tư Sở 228,7mm, Xuân Đỉnh 196,9mm, Hồ Tây 168,5mm; Lương Định Của 193,6mm, Trúc Bạch 206,9mm, Nam Từ Liêm 214,1mm, Thanh Liệt 252mm, Hoàng Quốc Việt 249mm và các nơi khác xấp xỉ 200mm. Mưa xảy ra trên diện rộng, tập trung tại khu vực phía tây.
Mô phỏng xây dựng cống ngầm. |
Do lượng mưa lớn đột biến vượt quá khả năng của hệ thống cùng với ảnh hưởng của các công trình hạ tầng kỹ thuật đang thi công như mương Vĩnh Tuy, mương Thụy Khuê, mương Nghĩa Đô, mương Tây Sơn, mương Trắng Chẹm, mương Y Khoa, mương Phương Mai, mương/hồ Tân Mai, (mương N1, mương N2 lưu vực Ba Xã)… nên tại thời điểm 6h ngày 25/5 đã xảy ra úng ngập tại nhiều tuyến phố trên địa bàn Thủ đô. Trận mưa đầu mùa là minh chứng rõ ràng cho hệ quả của một trong những tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa. Khi đất nước phát triển, việc đô thị hóa sẽ không thể tránh khỏi. Các yếu tố khác như lượng mưa, triều cường, sông rạch và địa hình thấp là vấn đề của thiên nhiên, chúng ta cũng không thể khống chế được. Thành phố đã thực hiện các biện pháp chống lụt như xây thêm cống, đê, nạo vét kênh rạch, xây hồ điều tiết và cống kiểm soát triều nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề. Trong khi đó chi phí dành cho việc chống lụt đang ngày càng chiếm tỷ trong lớn trong ngân sách của TP. Hiện tượng ngập nước của TP Hồ Chí Minh và Hà Nội luôn là mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan chính quyền các cấp và người dân. Nó không chỉ gây khó khăn to lớn đến đời sống của người dân sống tại các thành phố đó mà còn ảnh hưởng đến sự pháp triển của đất nước. Mới đây, công ty VNCOR, một đơn vị chuyên tư vấn về các giải pháp công trình tại TP Hồ Chí Minh đã đưa ra một giải pháp đáng lưu tâm để giải quyết tình trạng ngập úng của hai thành phố lớn là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Xây dựng cống ngầm và hồ điều tiết Ông Trần Ngọc Thông đại diện cho VNCOR cho biết giải pháp đơn vị này đề xuất là xây dựng một số hồ điều tiết ở xa trung tâm thành phố và một hệ thống cống ngầm (đường kính từ 3m-12m) nằm sâu dưới lòng đất để dẫn nước từ trung tâm thành phố và các vùng ven đến các hồ chứa này. Khi trời mưa to, các hồ điều tiết và hệ thống cống ngầm có nhiệm vụ chứa nước mưa, nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt. Nước trong hệ thống sau đó sẽ được bơm vào các nhà máy để được xử lý khi trời nắng ráo. Sau khi qua khâu xử lý, nước sạch sẽ được bơm ra sông/hồ để hòa trộn với nước thiên nhiên.
Mô phỏng xây dựng hồ điều tiết. |
Theo ước tính của VNCOR kinh phí xây cống ngầm không cao bằng xây hầm xe ôtô vì nó không cần hệ thống thông gió, cống thoát nước, chiếu sáng… Các kinh phí khác dành cho việc xây khoảng 4 hồ chứa nước, 4 nhà máy xử lý nước và 8 cống kiểm soát triều cường cũng sẽ không thể vượt quá con số 50.000 tỷ đồng. Thiết kế VNCOR đưa ra dựa trên lượng mưa lớn nhất 100 năm. Hơn nữa, giải pháp xóa lụt của đơn vị này có thể đáp ứng được nhu cầu mở rộng diện tích của thành phố, các khu công nghiệp và các thành phố vệ tinh trong tương lai (vì hệ thống có thể được mở rộng bất cứ lúc nào). Một lợi ích khác không kém phần quan trọng của phương án này là chúng ta sẽ có những dòng sông/kênh sạch đẹp với làn nước trong xanh vì lúc đó sẽ không còn các loại nước thải đen ngòm và hôi thối chảy trong đó. Ông Trần Ngọc Thông cho biết: “Nếu được đầu tư một cách nghiêm túc và theo lộ trình kế hoạch khoa học, thì chắc chắn chúng ta sẽ giải quyết được cả 3 vấn đề nan giải lớn của cả hai thành phố cho mai sau và hàng nhiều thập kỹ hoặc thế kỹ kế tiếp: Ngập lụt, nước thải công nghiệp/nước sinh hoạt và môi trường thiên nhiên”. Thực tế phương pháp này đã được áp dụng tại một số nước phát triển. Tuy vậy, đối với một số vị trí bị lụt do triều cường, chúng ta vẫn phải cần đối phó bằng các phương pháp sẳn có như: Nâng đường, xây đê và các miệng cống kiểm soát. Song song với việc đầu tư xây dựng hệ thống cống ngầm và hồ chứa nước này, Hồ Chí Minh và Hà Nội cần sớm ban hành quy định bắt buộc chủ đầu tư nếu có dự án tác động đến đất nông nghiệp/đất trũng/ao hồ thì phải thiết kế hồ chứa ngay bên trong đất của dự án.