Giải pháp đồng bộ, có trọng tâm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN nhỏ và vừa (DNNVV), trong thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành khá nhiều chính sách hỗ trợ về thủ tục hành chính, thuế, vốn...

Tuy nhiên, sự thiếu đồng bộ và các tiêu chí đánh giá tác động của chính sách đã khiến hiệu quả của những hỗ trợ này chưa “thấm” tới phần đông DN.

Chính sách chung chung - hiệu quả nửa vời

Đánh giá tình hình thực hiện chính sách trợ giúp phát triển DNNVV, bà Trịnh Thị Hương - Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT) cho biết, chính sách thời gian qua tập trung vào 8 nhóm như: Trợ giúp tài chính; mặt bằng sản xuất; đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật; xúc tiến mở rộng thị trường; tham gia kế hoạch mua sắm, cung ứng dịch vụ công; thông tin và tư vấn; trợ giúp phát triển nguồn nhân lực; vườn ươm DN. Ngân sách đã dành khoảng 2 triệu USD/năm cho hoạt động hỗ trợ chi phí đào tạo nguồn nhân lực cho DN. Một số biện pháp hỗ trợ về thuế cũng được áp dụng như việc gia hạn, giảm thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng…

 
Hiện nay, các doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ vốn, chính sách để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty CP Xích Líp Đông Anh.	Ảnh: Thanh Hải
Hiện nay, các doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ vốn, chính sách để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty CP Xích Líp Đông Anh. Ảnh: Thanh Hải
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách trợ giúp cho các DNNVV vẫn còn nhiều hạn chế. Có đến hơn 80% các chính sách hỗ trợ chưa có bộ tiêu chí để đánh giá các kết quả tác động của chính sách. Quy mô trợ giúp cho các DNNVV còn hạn hẹp, cả nước mới chỉ có 8 vườn ươm DN đặt ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách còn rất chậm. "Thông tin về các chính sách hỗ trợ xuất hiện trên báo chí từ rất lâu nhưng DN chờ mãi không thấy chính sách được áp dụng vào thực tiễn" - đại diện Cục Phát triển DN đánh giá. Đồng thời, các chính sách còn rời rạc khi chưa có tính kết nối khiến các DN khó tham gia. Mức độ triển khai các chính sách tại các địa phương còn yếu, trong khi nhiều DN vẫn chưa chủ động để tiếp cận những chính sách mới.

Nghị định 56/2009/NĐ - CP mới chỉ dừng lại ở những nội dung chung chung, ví dụ chỉ nói là hỗ trợ đất, dịch vụ công nhưng dịch vụ cụ thể như thế nào thì chưa rõ. Về KHCN, có 9 chính sách và chương trình hỗ trợ đổi mới KHCN nhưng nhiều chương trình mới ở giai đoạn xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện. Các chính sách tư vấn và quản lý kinh doanh thuế mới chỉ tập trung ở DN phía Bắc, nhiều DN ở các địa phương khác chưa nhận được hỗ trợ này.

Tăng tính thực thi

Đại diện Bộ KH&ĐT cho rằng, cần thẳng thắn chỉ rõ những nguyên nhân làm cho hiệu quả của chính sách trợ giúp DNNVV còn hạn chế để có hướng khắc phục. Theo đó, hiện có đến 6/8 nhóm chính sách hỗ trợ cho DN có đối tượng quá rộng, nội dung chưa phù hợp. Mặt khác, các chính sách trợ giúp còn chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành khác nhau, ví dụ Nghị định hỗ trợ về mặt bằng sản xuất chịu sự chi phối của Luật Đất đai…

Cũng không thể không thấy rõ sự phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa T.Ư và địa phương còn yếu, các chính sách chưa có tính đột phá. Không ít Sở KH&ĐT chưa lập được các đơn vị chuyên trách hỗ trợ DN. Đặc biệt, hiệu quả của chính sách trợ giúp DNNVV chưa cao còn do những yếu kém xuất phát từ nội tại các DN khi họ không nỗ lực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính sách và cập nhật các thông tin một cách đầy đủ…

Cục Phát triển DN đề xuất, cần cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng các chính sách đồng bộ, có trọng tâm và tính đột phá. Bên cạnh đó, cần xây dựng luật chung về chính sách hỗ trợ DNNVV để thúc đẩy tính thực thi và cơ chế giám sát việc hỗ trợ chính sách từ các cấp từ T.Ư đến địa phương. Ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam đồng tình cho rằng, về phía các hiệp hội cũng cần nâng cao uy tín, vai trò cầu nối giữa DN với cơ quan quản lý, các DNNVV cũng phải nỗ lực tham gia vào quá trình xây dựng các chính sách và cập nhật các thông tin hỗ trợ một cách đầy đủ hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần