Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải pháp hiệu quả giảm ùn tắc và tai nạn giao thông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn nạn ùn tắc và tai nạn giao thông (TNGT) tại Việt Nam ngày càng trở nên nghiêm trọng, do ý thức người tham gia giao thông kém, chế tài xử phạt chưa nghiêm, người thực thi công vụ thiếu nghiêm túc…

Để giảm thiểu ùn tắc và TNGT, thời gian qua, các cấp, ngành từ T.Ư đến địa phương đã triển khai nhiều giải pháp song hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Có thể hạn chế những vi phạm, giảm thiểu ùn tắc, TNGT, lại tiết kiệm chi phí đầu tư… xử phạt vi phạm giao thông bằng hình ảnh là phương án nên được xem xét và triển khai thực hiện.Xây dựng đồng bộ hệ thống camera giám sát

Thực tế, ý thức người tham gia giao thông nước ta còn rất kém, chỉ chấp hành luật khi có mặt lực lượng CSGT. Tuy nhiên, lực lượng này không thể đủ để bố trí trên mọi tuyến đường và làm việc 24/24 giờ. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt chưa nghiêm, nhiều trường hợp vi phạm chưa được xử lý triệt để dẫn đến những tai nạn thương tâm, hậu quả đáng tiếc vẫn xảy ra thường xuyên. Do đó, áp dụng quản lý và xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh từ camera có thể sẽ giúp giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc và TNGT.

 
Kiểm tra xử lý xe taxi vi phạm giao thông trên đường Giải Phóng. Ảnh: Đức Giang
Kiểm tra xử lý xe taxi vi phạm giao thông trên đường Giải Phóng. Ảnh: Đức Giang
Quản lý giao thông, xử lý vi phạm qua hình ảnh đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng và thực sự có hiệu quả. Tại Việt Nam, hình thức này đã được làm thí điểm nhưng không thành công do thiếu sự đồng bộ từ cơ chế đầu tư, chính sách pháp luật và giải pháp thực hiện. Do đó, để giải pháp này thực sự hiệu quả phải triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc. Đầu tiên, nên thành lập đơn vị dịch vụ an ninh giao thông, lực lượng tham gia chính là CSGT. Sau khi thành lập đơn vị này, Nhà nước nên có chính sách đầu tư, tổ chức lắp đặt hệ thống camera, hệ thống thiết bị kết nối, các trang thiết bị cần thiết… để tạo ra một đơn vị an ninh giao thông hoàn chỉnh, có thể ghi lại kịp thời các hình ảnh vi phạm giao thông. Trước mắt có thể làm thí điểm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sau đó nhân rộng ra cả nước. Ngoài ra cần phải xây dựng một hệ thống website hoàn chỉnh liên tục cập nhật tin tức về tình hình vi phạm và xử phạt giao thông. Qua website này, người dân có thể tìm kiếm thông tin về hành vi vi phạm của bản thân được ghi lại chi tiết ngày giờ vi phạm.

Người dân phải khai báo thông tin phương tiện

Sau khi có hệ thống camera hoàn chỉnh, bước tiếp theo là phải có cơ chế bắt buộc người dân, tức chủ phương tiện phải khai báo thông tin phương tiện của mình với chính quyền địa phương nơi cư trú. Bước đi này giúp dễ dàng quản lý các phương tiện, đồng thời thực hiện được yêu cầu người dân phải sở hữu xe chính chủ. Tất cả các thông tin khai báo này sẽ được tổng hợp để gửi về đơn vị dịch vụ an ninh giao thông, cập nhật vào máy tính quản lý, làm cơ sở tra cứu. Khi có sự thay đổi địa chỉ, chủ phương tiện phải khai báo lại thông tin. Cùng với đó, Nhà nước nên có quy định rõ, trong thời hạn 3 - 6 tháng, với xe ô tô, chủ phương tiện phải khai báo đúng địa chỉ và có xác nhận của cơ quan đối với xe công. Khai báo ở phường nơi cư trú đối với xe cá nhân, sau đó gửi đến doanh nghiệp dịch vụ an ninh giao thông. Nếu thay đổi địa chỉ, chủ phương tiện phải có trách nhiệm khai báo với đơn vị dịch vụ an ninh giao thông. Với xe máy đang thực hiện thu phí giao thông qua phường xã, người đi thu phí có trách nhiệm ghi lại khai báo địa chỉ của những xe máy để chuyển cho doanh nghiệp dịch vụ an ninh giao thông. Nếu không thực hiện khai báo đúng sẽ chịu xử phạt nghiêm khắc theo quy định.

Lợi ích kép

Như vậy, với những thông tin có được, đơn vị dịch vụ an ninh giao thông có cơ sở dữ liệu để quản lý phương tiện kèm với những hình ảnh được cung cấp từ camera. Dễ dàng truy cứu trách nhiệm cũng như tìm chính xác đối tượng có hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, chủ phương tiện cũng dễ dàng tìm thấy thông tin, hình ảnh của mình trên trang website của đơn vị dịch vụ an ninh giao thông để biết có thực sự vi phạm hay không. Mặt khác, với hình thức quản lý thông tin này, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm về những khai báo của mình cũng như hoạt động phương tiện mình làm chủ, ngay cả khi họ không phải là đối tượng vi phạm, gây ra tai nạn. Từ đó siết chặt hơn trách nhiệm của chủ phương tiện, đồng thời đạt được mục tiêu yêu cầu phải sang tên đổi chủ phương tiện. Phía doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp sẽ phải tuyển chọn và cân nhắc kỹ lưỡng đối tượng trước khi giao cầm lái phương tiện. Tóm lại, với mô hình đồng bộ hệ thống camera, khai báo thông tin phương tiện, xử lý lỗi vi phạm qua hình ảnh, tất cả đều được công khai, minh bạch… sẽ hạn chế được tình trạng can thiệp, xin xỏ cho người vi phạm và giám sát được các vi phạm cũng như lực lượng làm nhiệm vụ trên đường. Đồng thời nếu áp dụng mô hình này công việc của CSGT sẽ được giảm bớt gánh nặng, đảm bảo sức khỏe, có trách nhiệm hơn với nhiệm vụ được giao.