Bài 2: Đạp xe vì một Hà Nội an toàn hơn Thời của xe đạp Cách đây vài năm, các cư dân mạng đã bàn luận và nhất trí cho rằng, "khi ngồi trên xe máy, nam không thể lịch lãm, nữ không thể dịu dàng". Từ đó phong trào đi xe đạp để tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường vừa không phải chịu cảnh tắc đường và khỏe mạnh hơn đã thu hút được sự tham gia của nhiều người. Sau này, một loạt các hoạt động khuyến khích người dân đi xe đạp đã được phát động như dự án “You Cycle you save - Bạn đạp xe giúp Hà Nội” do nhóm Điểm đến xanh thực hiện từ tháng 4 - 6/2013; đạp xe diễu hành "Cuộc cách mạng xanh trên đường phố"... Những hoạt động này đã góp phần đưa xe đạp - hình ảnh thân quen trong nếp sống yên bình của Hà Nội một thời được tái hiện với hình ảnh mới mẻ, năng động hơn. Tuy nhiên, để việc sử dụng xe đạp trở thành một xu hướng phát triển tất yếu trong giao thông đô thị hiện đại đã đến lúc cần có những cơ chế, chế tài… phù hợp để biến xe đạp thành một phương tiện hỗ trợ quá trình giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông.
Đề cao xe đạp trong quy hoạch đô thị Phát triển bền vững giao thông đô thị là một trong những mục tiêu quan trọng mà nhiều quốc gia đang hướng tới và xe đạp sẽ có vị trí hàng đầu trong quy hoạch đô thị để giải quyết các vấn đề như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Để thực hiện mục tiêu trên, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp để phát triển mạng lưới giao thông vận tải công cộng nhưng hệ thống xe đạp công cộng lại chưa được tính tới. Trên thực tế, từ tháng 4 /2013, Sở Công Thương Hà Nội đã có tờ trình UBND TP nghiên cứu "Đề án sử dụng xe đạp" trong nhân dân nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường và kích cầu loại phương tiện này. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến Đề án này. Trong khi một số ý kiến phản đối thì nhiều chuyên gia nhận định Đề án này hoàn toàn khả thi nếu giới hạn trong những chuyến đi có cự ly ngắn. Vì theo tính toán, trong những chuyến đi khoảng 3 - 4km trở lại thì diện tích chiếm đường của xe ô tô con cao gấp 6 - 7 lần so với xe đạp. Ngoài ra, Hà Nội có một hệ thống ngõ phố rất phù hợp để xây dựng thành những tuyến giao thông xe đạp. Đặc biệt, để khuyến khích người dân đi xe đạp nhiều hơn, tại các trạm dừng xe buýt có tần suất lớn nên bố trí điểm gửi xe đạp để hành khách gửi để đi tiếp bằng xe buýt. Sau khi có được quy hoạch hợp lý cho hệ thống đường dành riêng cho xe đạp, việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở sẽ giúp việc đi lại bằng xe đạp an toàn và hấp dẫn hơn, thu hút được nhiều người cùng tham gia. Thực ra, việc có được hạ tầng dành riêng cho xe đạp không phải là khó vì ngay tại các "thành phố xe đạp" hàng đầu thế giới, dù hệ thống giao thông nội đô khá nhỏ nhưng đường cho xe đạp vẫn được bố trí một cách hợp lý. Riêng TP Copenhagen (Đan Mạch) mỗi năm chi 30 triệu Euro để đầu tư cho cơ sở hạ tầng phục vụ riêng xe đạp và được coi là một trong những "thiên đường xe đạp" hàng đầu thế giới. TP Hà Nội tất nhiên không thể có đủ nguồn lực để xây dựng hệ thống xe đạp công cộng quy mô như nước bạn nhưng chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một hệ thống tương tự với công nghệ đơn giản và chi phí thấp hơn. Tại Hà Nội, đã đến lúc trong quy hoạch đô thị cần cân nhắc bố trí làn dành riêng cho xe đạp trên một số trục chính có nhiều làn xe. Còn tại những tuyến phố có 2 làn xe đơn giản, người đi xe đạp hoàn toàn có thể đi chung với xe máy khi xử lý tốt việc lấn chiếm lòng đường. Về tổ chức giao thông, cần tính toán và thiết kế hệ thống đèn tín hiệu dành riêng cho xe đạp, không để người sử dụng xe đạp phải thực hiện hành vi rẽ trái chung với xe máy như hiện nay. Sau khi có một hệ thống đường dành riêng cho xe đạp, chúng ta sẽ dễ dàng gia tăng tỷ lệ các em học sinh đi xe đạp đến trường hơn. Với lợi thế được tiếp thu những bài học xây dựng các "thành phố xe đạp" của các nước trên thế giới và kinh nghiệm có được từ thời kỳ người Việt chỉ có xe đạp là phương tiện đi lại duy nhất, chúng ta hoàn toàn có thể hình thành được một "nền văn minh xe đạp" để chuẩn bị cho một nền giao thông xanh, thông minh trong tương lai.
Một bãi đỗ xe đạp tại Hà Lan được bố trí hợp lý. |