Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải pháp mới giúp giảm nhanh hàng tồn kho

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bên lề Hội nghị với các doanh nghiệp góp ý cho “Đề án tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, tổ chức ngày 26/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh cần giúp doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận với vốn lãi suất thấp, tiêu thụ được ngay sản phẩm trong quá trình sản xuất.

Thưa Bộ trưởng, hàng tồn kho hiện đang là khó khăn lớn nhất cho các doanh nghiệp, Bộ Công Thương có biện pháp cụ thể nào để giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn này?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Tình trạng hàng tồn kho của các doanh nghiệp là một trong những vấn đề được Chính phủ, xã hội hết sức quan tâm, nếu không giải quyết sớm sẽ khó có thể hoàn thành được kế hoạch năm 2012, cũng như chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ năm 2013 và các năm sau.

Trong những nhóm giải pháp hiện nay, Bộ Công Thương đang kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành tập trung vào tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp đang sản xuất, bao gồm giải pháp tiêu thụ trong nước và thúc đẩy xuất khẩu.

Đề án tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp được Bộ Công Thương lấy ý kiến song có nhiều người lo ngại về độ trễ của Đề án trong việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, Bộ trưởng đánh giá thế nào về lo ngại này?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Tôi nghĩ rằng việc các bộ, ngành trong đó Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về mặt thời gian là kịp thời, bởi ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIII, chỉ khoảng 3 tuần đến nay chúng ta đã có đề án hết sức cụ thể.

Đề án của Bộ Công Thương có hai phần nội dung, một là nhắc lại các nội dung đã được ban hành nhưng cần phải triển khai một cách đồng bộ hơn và tích cực hơn.

Thứ hai là giải pháp mới mà theo tôi là đã có nội dung chín muồi phù hợp với tình hình thực tế, có thể thực hiện ngay, không cần phải chờ đến khi đề án chính thức được phê duyệt.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận ở đây có độ trễ nhất định, việc khắc phục độ trễ mức nào phụ thuộc nhiều vào sự quyết liệt phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương.

Vậy trong thời gian tới doanh nghiệp sẽ được nhận chính sách gì mới so với thời điểm trước để thoát khỏi khó khăn?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Vừa qua nhiều giải pháp tập trung cho hậu sản xuất kinh doanh, còn trong đề án này chúng tôi có đưa ra một số kiến nghị liên quan đến việc hỗ trợ ngay lập tức, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh. Tức làm sao để doanh nghiệp tiếp cận với vốn có mức lãi suất tốt, tiêu thụ được ngay sản phẩm trong quá trình sản xuất, đó là những nét có sự khác biệt so với các giải pháp trước đây mang tính chất vĩ mô đối với khâu hậu sản xuất kinh doanh.

Vừa qua ngân hàng đã hạ lãi suất nhưng doanh nghiệp vẫn kêu khó, theo Bộ trưởng lãi suất bao nhiêu là phù hợp trong bối cảnh hiện nay?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Tôi nghĩ rằng lãi suất cho vay bao nhiêu thì cần đặt trong tương quan với lạm phát và lãi suất huy động. Tuy nhiên, việc chỉ đạo hạ lãi suất cho vay từ mức 18-19%/năm xuống còn 15%/năm là nỗ lực lớn của Ngân hàng Nhà nước.

Dù thế nào đi nữa thì giải pháp vừa phải tính đến tháo gỡ trước mắt, nhưng cũng phải tính bài toán lâu dài, đảm bảo ổn định, nếu điều hành không khéo có thể từ trạng thái đang kiểm soát lạm phát tốt sẽ dẫn đến lạm phát quay trở lại cao.

Bộ trưởng nhận định thế nào về tình trạng lạm phát hai tháng vừa qua giảm liên tục?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Chỉ số giá tiêu dùng giảm liên tục trong 2 tháng 6-7 chứng tỏ các biện pháp của Chính phủ chỉ đạo thực hiện mục tiêu tổng quát của năm 2012 kiềm chế lạm phát đã có tác dụng và có kết quả bước đầu như mong muốn. Tuy nhiên, nó cũng phản ánh khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hoá của các doanh nghiệp, sức mua của thị trường và kể cả một số biện pháp về kinh tế vĩ mô. Chúng ta cần cân nhắc, tính toán một cách thận trọng để tránh không rơi từ tình trạng lạm phát cao dẫn đến thiểu phát.