Tuy nhiên, với nhiều giải pháp được đưa ra, ngân sách sẽ vẫn đảm bảo không để hụt thu.
Thu ngân sách từ dầu thô "hụt" 50%
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tổng thu NSNN thực hiện tháng 3 đạt 70,4 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu quý I đạt 230,5 nghìn tỷ đồng, bằng 22,7% dự toán, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2015. Đáng chú ý, khoản thu từ dầu thô đã giảm đáng kể trong tháng 3 và cả quý I. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, một trong những nguyên nhân quan trọng là do giá dầu thô xuống quá thấp. Cụ thể, thu dầu thô thực hiện tháng 3 ước đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu quý I ước đạt 8,9 nghìn tỷ đồng, bằng 16,4% dự toán, bằng 45,9% so với cùng kỳ năm 2015. Thu từ nội địa vẫn đóng góp lớn nhất, tới 54,7 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu quý I đạt 193,8 nghìn tỷ đồng, bằng 22,7% dự toán. Riêng thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện tháng 3 đạt 21 nghìn tỷ đồng, tăng 6,6 nghìn tỷ đồng so với tháng trước. Đáng chú ý, lũy kế quý I/2016 chỉ đạt 54,6 nghìn tỷ đồng, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Việc giá dầu thô thế giới liên tục giảm sâu, khó dự đoán, và thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn nặng nề… được đánh giá sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế, khiến thu NSNN thêm khó khăn. “Hai năm nay, nguồn thu từ giá dầu bị chênh lớn. Năm 2015, thu ngân sách dựa vào giá dầu là 100 USD/thùng, thực tế chỉ thu ở quanh giá 50 USD/thùng. Còn năm nay dự toán giá dầu 60 USD/thùng thì 2 tháng đầu năm chỉ thu ở mức 36 USD/thùng. Nếu giá dầu chỉ còn 30 USD/thùng như hiện nay, ngân sách ước hụt 45.000 tỷ đồng” - ông Vũ Hồng Long - Vụ trưởng Vụ Dự toán (Tổng cục Thuế) tính toán. Ông Long cũng cho biết thêm, ngành thuế cũng đã báo cáo Bộ Tài chính các phương án giá dầu chỉ từ 20 - 25 USD/thùng. Thậm chí, kịch bản giá dầu xuống dưới 20 USD/thùng cũng đã được tính toán để cân đối ngân sách.
Những giải pháp thay thế
Trong bối cảnh giá dầu biến động, thiên tai ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách, đại diện Bộ Tài chính cho hay, trong trường hợp xấu nhất khi thực tế biến động mạnh so với dự toán sẽ phải điều chỉnh ngân sách. Cũng theo vị này, trong quy định của Luật Ngân sách, ngân sách do Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao. Việc dự báo các khoản thu của ngân sách dựa trên cơ sở các luật thuế cũng như diễn biến giá dầu thô. Trong đó, đưa ra cơ sở giá dầu để điều hành ngân sách tùy thuộc vào sản lượng, giá dầu theo thời điểm và tham khảo các thông tin từ các tổ chức quốc tế cũng như các chuyên gia kinh tế trong nước.
Trong năm 2015, do giá dầu giảm sâu nên Chính phủ phải tìm phương án có nguồn thu bù vào hụt thu từ dầu thô do giá dầu giảm. Tuy nhiên, kinh tế phục hồi, đặc biệt phục hồi mạnh vào quý IV/2015 đã giúp tăng thu ngân sách. “Năm 2016, chúng ta tưởng rằng hạ kịch bản giá dầu từ 100 USD/thùng xuống còn 60 USD/thùng là đã có thể an tâm nhưng thực tế có lúc giá dầu đã xuống dưới 30 USD/thùng, Bộ Tài chính đã phải tham mưu Chính phủ các phương án ứng phó, kể cả trường hợp giá dầu hạ còn 20 USD/thùng" – đại diện Bộ này thông tin.
Ba tháng đầu năm 2016, nhiều giải pháp bù đắp phần hụt thu ngân sách từ dầu thô đã được Bộ Tài chính tiếp tục triển khai và phát huy hiệu quả. Cụ thể, các khoản chi NSNN được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, chống lãng phí; cắt giảm tối đa kinh phí chi hoạt động lễ hội, đi công tác nước ngoài, hạn chế mua sắm ô tô công và trang thiết bị đắt tiền... Trong quý I, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát chi và phát hiện khoảng 2.500 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định và đã yêu cầu đơn vị bổ sung các thủ tục cần thiết. Cũng tính đến hết quý I, cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 6.510 DN, tổng số tiền thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 1.629 tỷ đồng. Cơ quan hải quan thực hiện 546 cuộc kiểm tra sau thông quan, quyết định truy thu 245 tỷ đồng.
Hiện, Bộ Tài chính đang tham mưu Chính phủ ra chỉ thị tiếp tục điều hành ngân sách chặt chẽ hơn trong điều kiện giá dầu đang giảm và đồng thời có những giải pháp kích thích môi trường sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển, từ đó có nguồn thu và cân đối được ngân sách. Thời gian tới, để đảm bảo nguồn thu ngân sách, Bộ sẽ tiếp tục rà soát để hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế, phí, lệ phí theo hướng mở rộng cơ sở thuế, bao quát các nguồn thu. Các giải pháp đơn giản thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho các đối tượng nộp thuế cũng sẽ được các cơ quan tài chính triển khai liên tục. Điều này vừa tăng thu cho NSNN, giảm thiểu tác động do việc cắt giảm thuế từ quá trình hội nhập quốc tế và giảm thu từ dầu thô do giá dầu sụt giảm. “Nền tảng cho thu NSNN chính là hoạt động kinh tế. Vì vậy, trong giai đoạn tới, chúng ta phải đẩy mạnh hơn các nỗ lực cải cách, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy xử lý các đột phá chiến lược, để đưa nền kinh tế phát triển ở tốc độ cao hơn, bền vững hơn, qua đó tăng thêm nguồn thu cho NSNN” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Về chi NSNN, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu từng lĩnh vực, từng cơ quan, đơn vị phải tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Từng bước tinh giản biên chế bộ máy, tiết kiệm các khoản chi cho bộ máy quản lý Nhà nước trên cơ sở quản lý chặt chẽ biên chế, cắt giảm chi mua sắm phương tiện, trang thiết bị đắt tiền… Về huy động vốn, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, đàm phán, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các khoản vốn nước ngoài bằng tiền cho cân đối NSNN; thực hiện huy động, giải ngân các khoản vốn vay nước ngoài theo kế hoạch.
Đây là những cơ sở cho thấy với những nỗ lực bảo đảm nguồn thu, môi trường kinh doanh cũng sẽ được cải thiện để tăng sức đóng góp của các DN, các khoản chi được kiểm soát… sẽ giúp ngân sách vẫn tiếp tục được bảo đảm.
Khai thác dầu thô tại thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Ảnh: Minh Hùng
|
Việc tăng lệ phí môn bài với các tổ chức lên đến 2 - 3 lần theo dự thảo của Bộ Tài chính, tôi khẳng định, hoàn toàn không có chuyện do ngân sách gặp khó khăn nên tăng thuế, phí. Mức thu này được xác định để phù hợp với tình hình kinh tế. 100% số thu về lệ phí môn bài sẽ được cân đối cho ngân sách địa phương. Thời gian tới, các giải pháp thuế, phí cũng sẽ được đề xuất theo hướng có động viên, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Bà Nguyễn Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính
Ngoài việc làm hụt thu ngân sách, giá dầu thô giảm cũng có mặt tích cực. Khi chi phí giá dầu của DN giảm, tích lũy nội bộ của DN tăng lên nên đóng thuế thu nhập DN cũng tăng. Số tiền này được chia cho cả ngân sách T.Ư và địa phương. Năm 2015, trong khi giá dầu thô giảm, ngân sách T.Ư “kẹt” thì ngân sách địa phương lại "xông xênh". Ông Nguyễn Văn Phụng Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn, Tổng cục Thuế
Giá dầu thô giảm khiến ngân sách đã khó lại càng thêm khó. Điều đáng nói, bội chi ngân sách vẫn lớn. Vì thế, một trong những giải pháp cần chú ý thời gian tới là siết kỷ luật tài chính bằng cách tiết kiệm tối đa các khoản chi không cần thiết. TS Nguyễn Trí Hiếu Chuyên gia kinh tế
|