Tuy nhiên, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 chỉ khoảng 3,5 triệu lượt. Trong khi ngành du lịch đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam năm 2022.
Giải pháp nào để thu hút du khách, đó là câu hỏi cho không chỉ ngành du lịch trong năm 2023.
Một số nguyên nhân khiến thu hút khách du lịch quốc tế không đạt mục tiêu được đề cập đó là việc cấp visa chỉ được cấp Visa 15 ngày chưa phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách du lịch quốc tế, đặc biệt là các thị trường xa như châu Âu. Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á đã cấp visa tới 30 - 45 ngày, thậm chí như ở Thái Lan, du khách có thể lưu trú tới 90 ngày.
Một nguyên nhân khác nằm ở mức độ sẵn sàng đón khách quốc tế chưa tốt sau hơn hai năm đại dịch vì thiếu nguồn nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất xuống cấp... Bên cạnh đó, trong giai đoạn hiện nay khách quốc tế có xu hướng đi du lịch theo từng nhóm nhỏ, chú trọng môi trường sinh thái, bảo đảm sức khỏe, cơ sở hạ tầng tốt và dịch vụ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay du lịch Việt Nam không có các sản phẩm độc đáo các TP lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội chưa có sản phẩm du lịch đô thị tốt, hút khách. Du khách đến 2 TP này nhưng chủ yếu vẫn chỉ được đi tham quan các địa điểm du lịch truyền thống có sẵn.
Để thúc đẩy du lịch quốc tế đến Việt Nam, giữ chân du khách lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn, cộng đồng DN du lịch cho rằng cần tăng thời gian lưu trú cho khách lên 30 ngày ngay trong tháng 1/2023; thủ tục cấp cần thông thoáng hơn. Đặc biệt, Chính phủ chọn một số thị trường khách du lịch chủ chốt để miễn visa có thời hạn trong 6 tháng nhằm tạo bước đột phá trong việc thu hút khách du lịch. Riêng với Việt kiều về thăm quê hương sau 2 năm đại dịch cũng nên được miễn visa bởi đây là một nguồn khách rất lớn cho du lịch Việt Nam trong năm tới.
Cùng với đó ngành du lịch cần cải thiện về sản phẩm, dịch vụ, chất lượng du lịch. Đồng thời cần tháo gỡ, khơi thông một số thị trường du lịch trọng điểm như Trung Quốc, Đông Bắc Á. Bên cạnh đó nên đa dạng hóa, cấu trúc lại thị trường du lịch theo hướng tăng cường khai thác du lịch cao cấp quốc tế, khách du lịch MICE đến Việt Nam tham dự các sự kiện thương mại, kinh tế, đầu tư, hội chợ, hội nghị, thể thao, văn hóa… với Chính phủ và các bộ, ngành, các địa phương. Ngoài ra cần cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng cường kết nối vùng miền, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế; chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị, hình thành nên các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo như du lịch sinh thái, mạo hiểm, nghỉ dưỡng, ẩm thực, du lịch xanh, bền vững…
Đã đến lúc Việt Nam cần xúc tiến các thị trường tiềm năng với thông điệp mới mẻ hơn, ví dụ “Việt Nam nhiều trải nghiệm” thay vì khẩu hiệu “Việt Nam - vẻ đẹp bất tận” như trước đây.