Giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng ở tòa nhà cao tầng

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quá trình đô thị hóa, nhà cao tầng trở thành một phần không thể thiếu, nhưng quá trình vận hành các tòa nhà cao tầng chiếm từ 35 – 40% tổng năng lượng tiêu thụ quốc gia. Với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, thời gian tới những công trình cao tầng sẽ được xây dựng nhiều hơn, vì vậy sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn năng lượng là vấn đề cấp thiết đặt ra.

Giải pháp kiến tạo đô thị bền vững

Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, quá trình đô thị hóa, việc những toà nhà cao tầng hiện diện trong lòng đô thị là quy luật tất yếu. Nhờ đó, hàng triệu người dân đô thị có cơ hội tiếp cận với một nơi ở riêng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu sinh sống, làm việc. Bên cạnh đó, việc phát triển hệ thống tòa nhà cao tầng làm gia tăng giá trị sử dụng đất đai đô thị, rút ngắn thời gian, giảm chi phí dịch chuyển của người dân.

“Việc phát triển công trình cao tầng phù hợp với chiến lược phát triển đô thị là một trong các giải pháp khai thác hiệu quả không gian đô thị cũng như chính sách trong chuyển nhượng quyền phát triển không gian, giúp tái cấu trúc đô thị mà không thay đổi hệ số sử dụng đất. Đây cũng là chỉ tiêu của một đô thị phát triển bền vững” - ông Trần Ngọc Chính nhìn nhận.

Việc lạm dụng các loại vật liệu xây dựng ở những công trình cao tầng gây thất thoát, lãng phí nguồn năng lượng.

Tuy nhiên, trong thực tế việc phát triển hệ thống công trình cao tầng tại đô thị nảy sinh nhiều vấn đề, như biến động mật độ xây dựng, quá tải hạ tầng, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông...  đặc biệt là việc sử dụng năng lượng. Khảo sát của Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, hiện nay hệ thống công trình cao tầng đô thị chiếm từ 35 – 40% tổng lượng tiêu thu nặng lượng của cả nước, nhưng hầu hết không được chú trọng đến vấn đề tiết kiệm năng lượng.

Để thu lợi nhuận tối đa, chủ đầu tư đã cắt bớt diện tích lưu thông, giếng trời, hàng hiên, giảm chiều dày tường bao ngoài... nhằm tăng diện tích nhà ở. Đặc biệt hiện nay, công trình cao tầng đều được “kính hóa” (sử dụng kính làm vật liệu xây dựng bao quanh), không thiết kế thông thoáng và lạm dụng thiết bị điện để chiếu sáng, điều hòa không khí... gây thất thoát thêm từ 20 – 25% năng lượng sử dụng hàng năm.

“Ngoài ra, Nhà nước cũng chưa có một công cụ pháp lý nào cụ thể yêu cầu thực hiện nghiêm hoặc chế tài xử phạt đối với những công trình cao tầng thiết kế không đạt tiêu chuẩn sử dụng tiết kiệm năng lượng” – luật sư Trịnh Hữu Đức - Văn phòng Luật sư Hàm Rồng cho hay.

Cần ban hành định mức tiêu thụ năng lượng

Phó Tổng thư ký Tổng hội xây dựng Việt Nam TS. KTS Lê Thị Bích Thuận cho biết, hiện nay trên thế giới có rất nhiều giải pháp nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn năng lượng ở công trình cao tầng. Nhưng để thích ứng với điều kiện khí hậu ở Việt Nam TS. KTS Lê Thị Bích Thuận đã đưa ra 2 giải pháp thiết kế, gồm: Giải pháp kết cấu tích hợp cho tường bao; Giải pháp trồng cây trên mái nhà, điều hòa nhiệt độ, cải thiện chất lượng không khí, chống ồn.

“Ngành xây dựng đã nghiên cứu, ứng dụng nhiều loại vật liệu xây dựng thông minh, việc thiết kế tường bao tích hợp nhiều lớp với kính tiết kiệm năng lượng hay gạch kính sẽ tăng khả năng khuyếch tán ánh sáng, giảm nhiệt độ xuyên sáng, giảm độ chói, truyền nhiệt; Còn đối với giải pháp trồng cây trên mái nhà sẽ giúp điều hòa nhiệt độ, giảm nhiệt độ trong phòng, có thể sử dụng cách âm. Không chỉ tiết kiệm năng lượng hiệu quả, còn mang đến nhiều lợi ích khác cho công trình” - TS. KTS Lê Thị Bích Thuận cho hay.

Tại hội nghị Chia sẻ kết quả dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong tòa nhà thương mại, chung cư cao tầng” (Dự án EECB) do Bộ Xây dựng phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức mới đây, Phó đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Patrick Haverman cho rằng, Chính phủ Việt Nam có thể xem xét để sử dụng hiệu quả năng lượng, ở những công trình cao tầng, gồm: Đẩy mạnh sự tham gia từ khu vực tư nhân hướng tới công trình cân bằng năng lượng; Tăng cường tuyên truyền người dân lợi ích về sức khỏe, môi trường, giảm hóa đơn tiền điện của công trình sử dụng năng lượng hiệu quả, công trình xanh.

“Một trong những nội dung quan trọng là Chính phủ Việt Nam cần chính thức ban hành công cụ về hồ sơ tiêu thụ, định mức năng lượng và hệ thống chứng nhận công trình tiết kiệm năng lượng. Đồng thời xây dựng cơ chế khuyến khích cụ thể mô hình tài chính sáng tạo để tạo điều kiện gia tăng nguồn cung - cầu đối với công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng” - ông Patrick Haverman nhấn mạnh.

“Năm 2021, dự án EECB tập trung hoàn thành báo cáo xây dựng đường tiêu thụ năng lượng đặc trưng, định mức năng lượng, trình Bộ Xây dựng thông qua. Đồng thời sẽ hoàn thành cơ chế chứng nhận tiêu thụ năng lượng, công bố thông tin tiêu thụ năng lượng; Xây dựng tài liệu hướng dẫn thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình hiệu quả năng lượng, cải tạo công trình hiệu quả năng lượng” - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) - Giám đốc dự án EECB, Vũ Ngọc Anh.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần