Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải pháp tiết kiệm năng lượng trong các cửa hàng tiện lợi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cửa hàng tiện lợi cần giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng thông qua việc tối ưu hoá hoạt động sử dụng năng lượng và tăng cường nhận thức về năng lượng cho các nhân viên. Một số chỉ dẫn dưới đây sẽ giúp thực hiện được điều này.

Hệ thống tủ lạnh và tủ đông

Nghiên cứu kỹ lưỡng hệ thống nhãn năng lượng và chỉ dẫn về nhãn năng lượng cho tủ lạnh và tủ đông để lựa chọn sản phẩm có công suất, kích thước, dung tích phù hợp và quan trọng nhất là đạt mức tiết kiệm năng lượng cao.

Hạn chế tối đa việc đóng mở các tủ lạnh và tủ đông trong quá trình vận hành bởi những biến động liên tục về nhiệt độ có thể làm giảm chất lượng thực phẩm và lãng phí năng lượng cho quá trình phục hồi nhiệt độ cũ.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Kiểm tra thiết lập nhiệt độ ở từng tủ lạnh, tủ đông, thậm chí là ở từng ngăn chứa bởi các loại thực phẩm khác nhau yêu cầu nhiệt độ bảo quản khác nhau. Nếu nhiệt độ thiết lập ở mức thấp hơn cần thiết, sẽ dẫn đến lãng phí năng lượng. Thông thường, các tủ đông được khuyến cáo đặt trong biên độ nhiệt -25,5 độ C đến -22,2 độ C, còn đối với tủ lạnh, biên độ này nằm trong khoảng 1,7-3,3 độ C.

Vệ sinh sạch sẽ theo định kỳ các cuộn dây làm mát ở mặt sau của tủ lạnh. Theo thời gian, sự tích tụ bụi bẩn trên các cuộn dây này sẽ làm giảm hiệu suất làm lạnh.

Đóng chặt các tủ lạnh và tủ đông: Đây là một điều tưởng chừng như đơn giản song lại thường bị bỏ qua và gây ra sự hao phí năng lượng. Một cách rất đơn giản để xác định xem hệ thống tủ lạnh đã được đóng kín hay chưa: Thử nhét một tờ giấy vào khoảng giữa tủ và cánh tủ, nếu nó trượt qua một cách dễ dàng, hãy nhanh chóng điều chỉnh lại.

Hệ thống chiếu sáng

Các chủ cửa hàng nên lựa chọn các sản phẩm bóng đèn tiết kiệm năng lượng đã được dán nhãn năng lượng. Bên cạnh đó, chủ cửa hàng cũng có thể sử dụng thêm các bộ điều khiển từ xa, hệ thống quản lý chiếu sáng và một số cảm biến nhiệt độ, độ ẩm hoặc hồng ngoại để giảm thiểu tối đa lượng tiêu thụ năng lượng.

Hệ thống sưởi ấm và làm mát

Chủ cửa hàng nên kiểm tra bộ lọc mỗi tháng, đặc biệt là trong những tháng mùa đông và mùa hè. Thông thường, các bộ lọc cần được thay 3 tháng một lần. Trong trường hợp bộ lọc thường xuyên bám bẩn, chủ cửa hàng cần thay thế hàng tháng. Bởi, một bộ lọc bám đầy bụi bẩn sẽ hạn chế luồng thổi của không khí, buộc hệ thống phải vận hành vất vả hơn và hệ quả tất yếu là tiêu tốn rất nhiều năng lượng.

Bảo trì các thiết bị điều hòa hàng năm. Trên thực tế, nhiều thiết bị có thể không bị hỏng hóc, song việc bảo trì định kỳ vẫn là cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động của chúng.

Cài đặt nhiệt độ định mức: Khác với hộ gia đình, các cửa hàng tạp hoá và đặc biệt là cửa hàng tiện lợi phải hoạt động liên tục suốt cả ngày, vì vậy, chúng ta có thể thiết lập sẵn một nhiệt độ cố định theo từng ngày và thậm chí là theo từng tuần đối với khu vực nhà kho để tăng cường hiệu quả tiết kiệm năng lượng.

Ngoài ra, các chủ cửa hàng cần bịt kín các đường ống dẫn khí trong hệ thống sưởi ấm và làm mát có thể làm giảm lượng hao phí điện năng trong quá trình truyền tải với tiềm năng có thể lên đến 20%.