Giải pháp xây dựng khả năng chống chịu cho các đô thị Việt Nam

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước những thách thức và khó khăn lớn mà các đô thị của Việt Nam phải đối mặt trên phương diện tăng cường khả năng chống chịu, phục hồi và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), cấp thiết phải cùng chia sẻ và đề xuất giải pháp cụ thể trong việc vận dụng khái niệm về đô thị có khả năng chống chịu và phục hồi với BĐKH tại Việt Nam.

Đây là nội dung chính của Hội thảo “Giải pháp xây dựng khả năng chống chịu cho các đô thị Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội ngày 19/1, do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức.
Giám đốc AFD tại Việt Nam Fabrice Richy cho biết, đô thị ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức ngày càng nghiêm trọng hơn từ hiểm họa thiên tai và BĐKH xuất hiện ngày càng nhiều và bất thường. Trong bối cảnh đó, sự tăng cường khả năng chống chịu phục hồi và thích ứng với BĐKH cho đô thị Việt Nam trở thành một mối quan tâm lớn của cấp chính quyền trung ương và địa phương, phù hợp với định hướng của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong bối cảnh yêu cầu phát triển đô thị bền vững, thông minh và có khả năng thích ứng cao.
Để góp phần hỗ trợ cho những nỗ lực này, với sự hỗ trợ của nhóm nhà tài trợ châu Âu, AFD trong chương trình lần này sẽ hỗ trợ cho 10 tỉnh, TP của Việt Nam, gồm: Điện Biên, Sơn La, Bắc Kạn, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Hậu Giang.
“Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau xác định giải pháp cụ thể và thực tiễn phù hợp với bối cảnh từng địa phương nhằm góp phần tăng cường khả năng chống chịu, phục hồi, thích ứng với BĐKH của các đô thị Việt Nam. Liên minh châu Âu và AFD cũng hỗ trợ cho các tỉnh này thông qua việc tài trợ và chuẩn bị tài trợ cho những dự án tăng cường khả năng chống chịu & phục hồi trước BĐKH của các đô thị tại Việt Nam” – ông Fabrice Richy cho hay.
Toàn cảnh hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) TS Trần Quốc Thái cho biết, trong bối cảnh của BĐKH toàn cầu, Cục Phát triển đô thị đã tham mưu Bộ về việc xác định các mục tiêu phát triển đô thị bền vững, đô thị tăng trưởng xanh, thích ứng với BĐKH và Đô thị thông minh đối với hệ thống đô thị Việt Nam; xác định các đô thị, khu vực đô thị chịu ảnh hưởng của BĐKH và xây dựng kế hoạch thích ứng, trong đó việc đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị thích ứng là mục tiêu quan trọng.
“Thời gian qua, Cục Phát triển đô thị đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, vận động và điều phối các nguồn lực trong và ngoài nước cho việc đầu tư và phát triển hệ thống đô thị quốc gia nhằm thích ứng về BĐKH như các dự án BĐKH vùng ĐBSCL, miền núi Phía Bắc…; hướng dẫn, hỗ trợ nâng cao năng lực chính quyền địa phương trong việc điều phối, quản lý thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị có tính đến yếu tố BĐKH, xây dựng các báo cáo đánh giá đô thị tăng trưởng xanh, đề án đô thị thông minh hướng tới phát triển đô thị bền vững” – ông Trần Quốc Thái cho hay,
Giám đốc AFD tại Việt Nam Fabrice Richy phát biểu tại hội thảo.
Được biết,  Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) hoạt động tài trợ trong nhiều lĩnh vực (năng lượng, y tế, đa dạng sinh thái, nước, kỹ thuật số, đào tạo), và hỗ trợ quá trình chuyển tiếp hướng tới một thế giới an toàn hơn, công bằng và bền vững hơn, vì một thế giới chung. Hoạt động của AFD hoàn toàn nằm trong khuôn khổ các mục tiêu phát triển bền vững (ODD). Hiện nay, AFD có mặt tại 115 quốc gia thông qua một mạng lưới gồm 85 chi nhánh với hơn  4 000 dự án phát triển đang được triển khai.
AFD có mặt tại Việt Nam từ năm 1994, đã tài trợ cho 84 dự án với tổng mức cam kết hơn 2 tỷ EUR. Trong giai đoạn 2006 - 2019, tổng số vốn giải ngân của AFD lên tới 1,056 tỷ EUR cho 30 dự án, chương trình phát triển góp phần hỗ trợ Việt Nam chống BĐKH và thích ứng với các tác động của BĐKH.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần