Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải quyết tốt việc làm cho nông dân bị thu hồi đất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ Liêm là một huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh trong 29 quận, huyện, thị của TP Hà Nội.

Quá trình thực hiện CNH, HĐH trên địa bàn huyện trong những năm gần đây diễn ra nhanh đã kéo theo một bộ phận lớn nông dân bị thu hồi đất lâm vào tình trạng không có việc làm, gây hậu quả xấu không chỉ về mặt kinh tế mà cả về mặt xã hội. Vì vậy, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt đối với người nông dân bị thu hồi đất luôn được Đảng bộ, chính quyền huyện quan tâm, ưu tiên với nhiều giải pháp thiết thực.
Một góc Khu đô thị Mỹ Đình, huyện Từ Liêm.
Một góc Khu đô thị Mỹ Đình, huyện Từ Liêm.
Tuy nhiên, với tổng số dân trên địa bàn lên tới trên 550.000 người, mật độ dân số bình quân khoảng 7.320 người/km2, câu chuyện giải quyết việc làm cho người lao động không hề đơn giản. Để giải bài toán việc làm cho lao động nông thôn bị mất đất canh tác, huyện đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân từ huyện đến xã tập trung chỉ đạo, định hướng cho các địa phương tổ chức đào tạo nghề gắn với nhu cầu của thị trường và chương trình xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, huyện cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội nói chung và người lao động nói riêng. Huyện đã chỉ đạo Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề Từ Liêm tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận được thông tin về thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tổ chức tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh, nhất là học sinh cuối các cấp THCS, THPT để học sinh chủ động lựa chọn các loại hình học nghề phù hợp. Đồng thời quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực; đa dạng hóa hình thức, phương pháp và cách thức đào tạo nghề; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác dạy nghề theo hướng đạt chuẩn, tương ứng với kỹ thuật, công nghệ trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để đảm bảo chất lượng đào tạo nghề. Triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn; thực hiện mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp với cơ sở dạy nghề…

Thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, đặc biệt là Nghị quyết 25-NQ/TƯ của Ban Chấp hành T.Ư Đảng Khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, Ban Dân vận Huyện ủy đã xác định rõ công tác dân vận có tác động mạnh mẽ đến việc vận động mọi tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của huyện, là điều kiện quan trọng đảm bảo cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Đặc biệt, trong bối cảnh đô thị hóa nhanh của Từ Liêm, công tác dân vận trong quá trình thu hồi đất và giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất càng có vai trò quan trọng. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác dân vận, đặc biệt là phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai rộng rãi trên quy mô toàn huyện. Kết quả qua hơn 2 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo", đã có nhiều điển hình "Dân vận khéo" trong công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ, công tác tôn giáo, xây dựng nông thôn mới, trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng có sức lan toả, được cấp uỷ, chính quyền và nhân dân ghi nhận…

Trong thời gian vừa qua, người dân trên địa bàn thi đua lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo cụ thể bằng việc xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp giống mới phù hợp với diện tích sản xuất của người dân tại các xã (Mô hình trồng hoa Phong lan, cây cảnh, cây cảnh trong chậu thu nhỏ). Phối hợp các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng hoa, cây cảnh, tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm. Các lớp đào tạo nghề nông thôn (nghề nấu ăn, cắt tóc, gội đầu…). Tổ chức tham gia liên hoan du lịch làng nghề nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm truyền thống của nhân dân các xã Mễ Trì, Thượng Cát, Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế, Tây Tựu, Đông Ngạc, Thụy Phương…

Những phong trào đó đã đưa các tầng lớp nhân dân vào phong trào chung xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đó là những giải pháp cơ bản và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, không những mang lại những kết quả chung mà còn góp phần giải quyết những vấn đề cốt yếu của đời sống người dân, đặc biệt là giải quyết việc làm. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó nêu cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn Từ Liêm sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao thu nhập của nhân dân.