Khách du lịch giảm vì môi trường thiếu văn minh
Lần đầu tiên, một hội nghị chuyên đề được tổ chức trong phạm vi toàn quốc để "mổ xẻ" những vấn đề đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước và du lịch Việt Nam. Báo cáo của ngành du lịch về lượng khách quốc tế trong những tháng đầu năm nay cho thấy sự không ổn định.
Cụ thể, lượng khách của tháng 1 tăng nhưng rất thấp, chỉ bằng 2,2% so với cùng kỳ năm trước; tháng 2 giảm 18%; tháng 3 tăng nhẹ 1,6%, đến tháng 4 lại giảm 2,4%... Thế nên, tính bình quân lượng khách quốc tế trong 5 tháng đầu năm giảm 1,4%.
Du khách quốc tế tham quan hồ Hoàn Kiếm ngày 6/6.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tỏ rõ sự lo lắng: "Làm thế nào để cải thiện tình hình du lịch Việt Nam đang là vấn đề cấp bách. Bởi những năm qua, du lịch của ta tăng trưởng khá, nhưng gần đây có dấu hiệu chững lại, trong đó có nguyên nhân môi trường du lịch của ta thiếu văn minh, thiếu an toàn". Điều Phó Thủ tướng lo lắng thể hiện rõ ở việc gần đây tại nhiều địa phương liên tục xảy ra tình trạng đeo bám, chèo kéo, thậm chí lừa đảo, đe dọa, ép giá khách du lịch.
Tình trạng thiếu nhà vệ sinh cho du khách sử dụng cũng làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch. Riêng Hà Nội có lượng khách du lịch trong 5 tháng đầu năm tăng hơn 17%, nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng này. Để tạo môi trường lành mạnh cho du khách, Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: TP đã chỉ đạo các quận, huyện trọng điểm kiện toàn ban chỉ đạo du lịch; tổ chức lực lượng giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ an ninh an toàn cho du khách ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu vực Ba Đình… Các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện trên địa bàn trọng điểm kiểm tra, xử lý các vi phạm. Nhờ thế, các hiện tượng đã giảm đi rõ rệt.
Kinh nghiệm từ Hội An
Mục tiêu của du lịch Việt Nam trong thời gian tới là trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thận thiện. Làm thế nào để "Nụ cười của khách du lịch là tương lai của du lịch Việt Nam!" chính là mong muốn và yêu cầu đặt ra của Phó Thủ tướng tại hội nghị này.
Bộ VHTT&DL đã đề xuất 10 giải pháp cần thực hiện ngay để cải thiện môi trường du lịch, trong đó "điểm nhấn" là giải quyết tình trạng đeo bám, chèo kéo du khách. Đồng tình với ý kiến này, đại diện các tỉnh, thành cũng cho rằng, cần phải có những chế tài đủ sức ngăn ngừa, tăng mức xử phạt hành chính với các đối tượng vi phạm. Sở dĩ xảy ra tình trạng này trong thời gian qua, một phần là bởi chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị bổ sung thêm nội dung trong chế tài xử phạt. Các văn bản pháp luật có nhiều điểm chưa phù hợp cũng nên được thay đổi, để tạo thuận lợi cho công tác quản lý.
Đại diện nhiều tỉnh, thành còn đề nghị Chính phủ và Bộ VHTT&DL cho phép thành lập lực lượng cảnh sát du lịch tại các tỉnh, thành phố có hoạt động du lịch phát triển mạnh. Lực lượng cảnh sát này sẽ do các địa phương quản lý.
Song, trong việc cải thiện môi trường du lịch, sự tham gia của người dân địa phương rất quan trọng. Khi người dân được tuyên truyền, tập huấn, họ sẽ có thay đổi trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường du lịch. Sự đồng tình của người dân đã giúp cho đô thị cổ Hội An thành công trong mô hình tạo môi trường ấn tượng với du khách.
Ông Trần Minh Cả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay: Hội An thực hiện phong trào nếp sống văn minh trong kinh doanh du lịch. Các hộ kinh doanh du lịch ở Hội An và Mỹ Sơn đã ký cam kết với chính quyền địa phương không sử dụng và tiếp tay cho cò mồi, thực hiện niêm yết và cam kết bán hàng đúng giá. Đây cũng là kinh nghiệm hay của tỉnh này để các tỉnh, thành khác học tập.
Trong khi lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 5 tháng đầu năm giảm, thì Hà Nội đón được hơn 1 triệu lượt khách quốc tế (trong đó có hơn 778.000 khách lưu trú), tăng khoảng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái; và hơn 7 triệu lượt khách du lịch nội địa (tăng 18%). Kết quả này là điều đáng ghi nhận và khích lệ đối với ngành du lịch Hà Nội. |