Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải tỏa dứt điểm việc thắp hương đốt vàng mã

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tồn tại chính xác từ khi nào? Không biết bao lần chính quyền vào cuộc dẹp bỏ, nhưng vẫn tồn tại hiện tượng người dân thờ cúng ở “miếu Hai cô” ngay cạnh tường Văn Miếu - Quốc Tử Giám (số 1 phố Tôn Đức Thắng Hà Nội), gây ảnh hưởng an ninh trật tự, gây mất mỹ quan đô thị…

Giải tỏa dứt điểm việc thắp hương đốt vàng mã - Ảnh 1

 Khu vực miếu "hai cô"

“Sự tích” “miếu Hai cô” được nhiều người truyền tai nhau, chuyện kỳ bí được nghe kể lại rất khác nhau… Những câu chuyện ly kỳ không biết còn được thêm thắt những gì, nhưng có một điều, vỉa hè này ngày một đông hơn về những người tới lễ bái.

Sự việc diễn ra từ rất lâu, đã nhiều lần cơ quan chức năng vào cuộc, dựng lan can, vận động người dân không tụ tập mê tín dị đoan nhưng vẫn không ngăn được triệt để việc cúng lễ.

Trước thực trạng này, ngay đầu tháng 11, UBND phường Quốc Tử Giám đã ra quân, giải tỏa việc thắp hương, đốt vàng mã và hành lễ tại số 1 phố Tôn Đức Thắng.

Theo ông Lê Văn Tú, Chủ tịch UBND phường Quốc Tử Giám: Để đảm bảo các quy định về hoạt động tín ngưỡng, thuần phong mỹ tục và quy định của UBND TP Hà Nội, phường đã chủ động nắm tình hình, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp không để kẻ xấu lợi dụng những người mê tín, tụ tập gây rối trật tự công cộng; chủ động ngăn chặn không cho người dân thắp hương, bán và đốt vàng mã.

Qua nhiều năm, các cấp chính quyền vào cuộc, có thời điểm không còn hiện tượng hành lễ ở đây. Tuy nhiên, qua một thời gian vắng bóng công an, dân phòng thì hiện tượng cũng lễ lại tái hoạt động trở lại.

“Để chấm dứt tình trạng này, theo tôi, thứ nhất: cần nhận thức chung toàn xã hội, tuyên truyền trên mọi phương diện, những khu vực người dân thường xuyên ra hành lễ phải quan tâm. Thứ hai, cần giải thích những bất cập, hạn chế, giải thích yêu tố tâm linh cho mọi người hiểu, tâm linh ai cũng có nhu cầu nhưng phải thể hiện làm sao cho có văn hóa, được xã hội khẳng định và chấp nhận (tâm linh ở đây như thế nào là được chấp nhận, đúng ý nghĩa…) chứ không phải là lợi dụng tâm linh để có những hoạt động mê tín dị đoan, cuồng tín gây bức xúc trong xã hội. Vấn đề này không dễ giải quyết một sớm, một chiều, cần có một phương án lâu dài, vừa phải tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu và một mặt vẫn phải tổ chức cắm chốt lực lượng an ninh duy trì, bảo vệ tại chỗ”. Ông Tú nhấn mạnh.                              

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, đội tự quản phường Quốc Tử Giám chia sẻ: Sau hai tuần trực tại điểm “miếu Hai cô” đến thời điểm này không còn hiện tượng người dân buôn bán vàng mã, đưa bát hương ra vỉa hè thờ cúng, “hiện tượng thờ cúng ở vỉa hè chỉ dừng hoạt động do có lực lượng dân phòng, công an phường túc trực. Khi vắng bóng công an, dân phòng thì mọi việc lại như cũ”.

Anh Hùng cũng cho biết, ban ngày ca trực có 2 người, việc túc trực rất vất vả, “bản thân tôi cũng như anh, em khác còn phải trực trong tổ trực Văn Miếu, sáng trực bên cổng Văn Miếu, chiều trực bên miếu “Hai cô”, hàng ngày ngồi trực phải hít khói xăng xe, bụi đường,… rất mệt mỏi, kéo dài thời gian trực như vậy, anh em sẽ ốm hết mất. ”.

Trao đổi với phóng viên, ông Tú bày tỏ: “Chúng tôi rất mong UBND quận, CA quận có sự chỉ đạo các phường lân cận, cùng phối hợp với phường Quốc Tử Giám vào cuộc quyết liệt, dẹp bỏ triệt để việc người dân về đây thờ cúng, gây ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng giao thông và những nguy cơ cháy nổ do đốt vàng mã, có vậy mới mong dẹp bỏ dứt điểm tình trạng này.

Nghị định 75/2010/NĐ-CP ngày 12/07/2010 của Chính phủ quy định: Điều 18. Vi phạm các quy định về nếp sống văn hoá. Điểm c, Khoản 1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá, nơi công cộng khác.

Điểm b Khoản 2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Tuyên truyền mê tín dị đoan để tiêu thụ hàng mã.