Giải trí trực tuyến lên ngôi

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhà hát, sân khấu, rạp chiếu phim ở Hà Nội phải tạm dừng hoạt động, hủy bỏ nhiều chương trình. Do vậy, công chúng dành phần lớn thời gian sử dụng các dịch vụ giải trí trực tuyến tại nhà.

 Nhà hát Kịch Hà Nội ra thông báo tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Lại Tấn
Khoảng lặng cho sân khấu
Dạo quanh các nhà hát, rạp chiếu phim tại Hà Nội như: Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam đều có dòng thông báo tạm đóng cửa bằng các thứ tiếng như: Tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung... đặt ngay ngắn ở cửa. Ví như, Nhà hát Kịch Hà Nội là dòng chữ: “Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra, với mục tiêu cao nhất không để dịch bùng phát, chương trình biểu diễn “Chùm hài Phố” do Nhà hát Kịch Hà Nội phối hợp với Tập đoàn Thái Bình Dương tổ chức sẽ tạm hoãn để bảo đảm an toàn cho các vị khách quý”. Nhà hát Múa rối Thăng Long lại ngắn gọn thông báo: “Tạm thời đóng cửa từ ngày 14/3 cho đến khi có thông báo mới”.
Theo quan điểm chung của nhiều nghệ sĩ, diễn viên, việc phải tạm dừng hoạt động biểu diễn gây thiệt hại về kinh tế nhưng là điều cần thiết trong thời điểm dịch Covid-19 đang xảy ra.
Chia sẻ về hoạt động của Nhà hát Kịch Việt Nam khi các chương trình biểu diễn bị hoãn, hủy vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, NSƯT Xuân Bắc cho biết: “Việc tổ chức biểu diễn của nhà hát là quan trọng nhưng trong thời điểm này, dừng các chương trình đông người là hợp lý. Không biểu diễn phục vụ khán giả nhưng chúng tôi không để thời gian chết mà họp và tìm ra những đường hướng phát triển Nhà hát trong tương lai. Chúng tôi cũng làm các công việc còn tồn đọng mà trong năm cũ, vì bận bịu biểu diễn mà chưa có thời gian tập trung như: Xây dựng quy chế vận hành, chỉ ra những bước đi phát triển mang tính chiến lược của Nhà hát Kịch Việt Nam”.
Bên cạnh đó, trong khi tạm dừng hoạt động, nhiều Nhà hát cũng dành thời gian để tìm kiếm kịch bản mới, tăng cường luyện tập. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, NSND Quốc Anh – Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cho biết: “Trong thời gian nghỉ, anh chị em nghệ sĩ có thể luyện tập, trau dồi khả năng để chuẩn bị thêm các chương trình, tiết mục phục vụ công chúng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang tìm kiếm những kịch bản mới để xây dựng những tiết mục hấp dẫn hơn”. Ở góc nhìn tích cực, khoảng lặng này giúp các nghệ sĩ, nhà hát có thể xây dựng đường hướng, chiến lược phát triển mới để trở lại mạnh mẽ với những vở diễn mới, hấp dẫn người xem hơn trước. Ngoài việc chuẩn bị kỹ nội dung, chờ thời gian tái đỏ đèn sau dịch bệnh, các nghệ sĩ cũng chú tâm vào các loại hình giải trí mới thông qua công nghệ.
Vlog thu hút triệu người xem
Theo khảo sát về truyền hình trực tuyến của Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me (Việt Nam), tần suất sử dụng truyền hình trực tuyến tăng lên do có đến 78% người được khảo sát giảm ra ngoài vui chơi. Khảo sát cũng cho thấy các nội dung thu hút nhất ở những kênh này là phim truyền hình, phim điện ảnh, chương trình giải trí, game show, truyền hình thực tế, thể thao…
Theo thống kê của Q&Me, Top 5 dịch vụ xem truyền hình trực tuyến tại Việt Nam: FPT Play, Netflix, K+, VTV Cab, Zing TV. Những kênh truyền hình giải trí trực tuyến này có “thực đơn” phim khá phong phú, mới và hấp dẫn. Đơn cử, phim được đặt trong gói phim có phí của Fim+, với giá 50.000 đồng/tháng. Khán giả đăng ký gói này có thể xem không giới hạn một thư viện phim, đủ cả phim Việt và nước ngoài như: “Siêu sao siêu ngố”, “Hồn papa da con gái”, "Chị Mười Ba"... Trong khi đó FPT hấp dẫn người xem với nhiều bộ phim có tính thời sự về dịch bệnh khiến người xem liên tưởng đến dịch Covid-19 như: "Chuyến tàu sinh tử" (Train to Busan), "Đại dịch" (Infected).
Bên cạnh đó, các kênh miễn phí trên Youtube cũng đang thu hút hàng triệu người xem với nhiều series phim hấp dẫn như: “Bố già” của Trấn Thành, “Trật tự mới” (Việt Hương). Hiện tại, trên Top trending (thịnh hành) của Youtube cũng có nhiều phim drama như: “Thành phố tội ác”, “Hai anh em”... Chưa kể các gameshow, chương trình ca nhạc, giải trí, phim nhiều tập... gây ấn tượng với khán giả truyền hình cũng được phát lại trên Youtube. Ngoài ra, khán giả có thể theo dõi các Vlog triệu view hấp dẫn thường xuyên được Vlogger tung lên Youtube với độ dài chỉ khoảng 5 - 7 phút.
Giải trí trực tuyến tại nhà được xem là xu hướng hợp lý giảm thiểu những stress cho người dân do nhịp sống thay đổi, hạn chế việc tụ tập đông người ở các rạp chiếu phim, khu vui chơi giải trí.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần