Doanh nghiệp lãi tiền ngàn, giảm tiền trăm
Theo công văn, Bộ Tài chính - Công Thương yêu cầu các DN kinh doanh xăng, dầu đầu mối trong nước điều chỉnh giảm giá bán lẻ tối thiểu từ 87 đến 408 đồng/lít (đối với các mặt hàng xăng, dầu diezel và dầu hỏa). Thời điểm điều chỉnh giảm giá bán xăng, dầu trong nước do DN kinh doanh xăng, dầu đầu mối tự quyết định vào thời điểm thích hợp nhưng không được muộn hơn 19 giờ ngày 18/4.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Sau khi duy trì từ ngày 11/9/2012 đến nay, Bộ Tài chính quyết định điều chỉnh thuế đồng loạt các loại xăng, dầu tăng thêm 2%, trong đó xăng lên 14%; dầu diezen lên 10%, dầu hỏa 12%, dầu mazut 12%.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, thuế suất thuế nhập khẩu nhiên liệu đều thấp hơn barem quy định nhằm giúp bình ổn kinh tế vĩ mô, bình ổn giá xăng, dầu khi thế giới lên cao. Quyết định giảm giá xăng, dầu lần này được đưa ra trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới giảm mạnh. Tuy nhiên, với mức giảm 408 đồng là không đáng kể so với mức lãi của DN hiện tại. Theo một số tính toán, nếu tính theo chu kỳ 30 ngày, DN lãi khoảng 550 - 600 đồng/lít ở mặt hàng xăng và nếu tính theo chu kỳ 10 ngày gần đây, các DN đầu mối có thể lãi tới 1.700 đồng/lít (bao gồm cả 300 đồng lợi nhuận định mức). Nếu trừ đi khoản 2% thuế nhập khẩu tăng lên thì DN vẫn lãi trên 1.000 đồng/lít.
Nợ người dân sự minh bạch
"Hai lần giảm giá xăng cộng lại mới là 900 đồng, giá xăng hiện hành vẫn cao, vì lần tăng trước, ngày 28/3, liên bộ cho phép tăng ở mức rất cao với 1.430 đồng/lít" - một chuyên gia xăng dầu phân tích.
Nhận xét về động thái tăng thuế của Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu quan điểm: Đánh thuế DN xăng dầu thì tất cả sẽ tính vào giá thành và người dân phải gánh chịu nên cần phải cân nhắc khả năng điều hành giá bằng công cụ thuế trong thời điểm này.
Có ý kiến cho rằng, trước đó, các DN đã lãi rất cao và không giảm giá ngay mà đẩy chiết khấu cho đại lý lên cao, có nơi lên tới 900 đồng/lít, do đó, các DN phải minh bạch đối với người dân. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Giá thành xăng, dầu trước nay không minh bạch, nhất là chu kỳ tính giá khi thì 20 ngày, khi 30 ngày. Đừng để tái diễn cảnh giá xăng, dầu đột ngột tăng rồi giảm nhỏ giọt bởi mỗi lần điều chỉnh, tâm lý của người tiêu dùng bị ảnh hưởng rất lớn.