Giảm áp lực cho nhà giáo

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, trường tiểu học công lập, trường THCS công lập, THPT công lập, có hiệu lực từ ngày 20/3/2021. Điểm mới quan trọng được nhiều giáo viên mong chờ trong 4 thông tư chính là Bộ GD&ĐT đã bỏ quy định chứng chỉ ngoại ngữ đối với Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và thay bằng quy định mới.

 Ảnh minh họa
Đó là: Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao.
Trước đây, giáo viên các cấp học, các hạng chức danh nghề nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ từ bậc 1 đến bậc 3 (đối với từng hạng và cấp học); trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ TT&TT quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin. Ngoài ra, đối với cấp học phổ thông, giáo viên ngoại ngữ phải có trình độ ngoại ngữ thứ hai tương ứng như trình độ ngoại ngữ của các giáo viên khác. Nhiều ý kiến giáo viên cho rằng, quy định này trở thành hình thức, vì chỉ nộp vào cho đủ điều kiện về mặt hồ sơ, còn trong quá trình giảng dạy họ ít hoặc không sử dụng đến. Trong khi đó, giáo viên cứ phải lo có được hai chứng chỉ này, dẫn đến không dồn hết tâm sức và trí lực cho việc giảng dạy chuyên môn. Hơn nữa, trong chương trình đào tạo của các trường cao đẳng, đại học đã công bố chuẩn đầu ra ngoại ngữ và tin học. Vì thế, Bộ GD&ĐT yêu cầu có 2 chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên các cấp là thừa. Bức xúc hơn, quy định này đã tạo môi trường “mua chứng chỉ”, nảy sinh tiêu cực trong đào tạo và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Những giáo viên không có khả năng học, thi lấy chứng chỉ sẽ... đi tìm mua. Khi “cầu” quá nhiều ắt dẫn đến “cung”, đào tạo ngoại ngữ theo kiểu ghi danh, giống như kiểu trường ĐH Đông Đô đào tạo chui và cấp bằng ngoại ngữ giả đã bị phanh phui và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trở lại câu chuyện Bộ GD&ĐT bỏ quy định chứng chỉ ngoại ngữ và tin học và điều chỉnh bằng có khả năng ứng dụng CNTT, khả năng sử dụng ngoại ngữ trong thực hiện các nhiệm vụ... theo những người làm quản lý giáo dục, đây là việc làm cần thiết, có lợi cho giáo viên hơn, phù hợp với xu thế phát triển. Quy định mới của Bộ GD&ĐT còn cho thấy sự thiết thực, bởi nhà trường sẽ căn cứ nhiệm vụ cụ thể giao việc cho giáo viên.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo đưa yêu cầu về trình độ ngoại ngữ vào chương trình đào tạo theo khung trình độ quốc gia và chuẩn đầu ra của sinh viên sư phạm. Về quy định này, vẫn còn bất cập, đó là sinh viên sư phạm vừa phải đạt chuẩn đầu ra của trường, vừa phải lo đi học và thi lấy chứng chỉ để tuyển dụng. Vì thế, Bộ GD&ĐT nên quy định chuẩn đầu ra tin học, ngoại ngữ cho tất cả các trường, các ngành và cấp chứng chỉ riêng (không phải là một môn học trong bảng điểm) để người học được sử dụng bằng, chứng chỉ thuận lợi mà không phải học lại, tốn kém và lãng phí cho xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần