Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước cho rằng, với quyết định này, rõ ràng thị trường Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng. Yếu tố tâm lý trên thị trường tài chính sẽ được giải tỏa sau quyết định của FED.
FED vừa quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản. Ông có bình luận gì về động thái này?
- Thăm dò ý kiến của các nhà kinh tế nổi tiếng trên thế giới, những chuyên gia về thị trường tài chính quốc tế thì khả năng tăng hoặc giữ nguyên là 50/50. Xét trên một vài khía cạnh, Mỹ đang làm khá tốt. Tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 5,1%. Quý II, kinh tế Mỹ tăng trưởng 3,7%, cao hơn khá nhiều so với xu hướng trong lịch sử. Tuy nhiên, bức tranh có quá nhiều mảng sáng, tối lẫn lộn. Tiền lương chỉ tăng trưởng 2,2% mỗi năm (thấp hơn dự báo), và tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tham gia vào thị trường lao động đang ở mức thấp nhất kể từ những năm 1970. Cơ quan này liên tục nhắc lại mối lo lắng về việc lạm phát dưới mức mong muốn (lạm phát lõi luôn ở dưới mức chỉ tiêu của FED trong hơn 3 năm qua) và sự ảnh hưởng của việc giá năng lượng tụt giảm. FED đã không tăng lãi suất trong gần một thập kỷ qua và giữ mức lãi suất gần bằng 0 liên tục 7 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Nhưng nay, sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn, nhất là thị trường tài chính toàn cầu đang bị rung lắc mạnh vì yếu tố Trung Quốc (vấn đề xuất phát từ tháng trước khi Bắc Kinh hạ giá đồng Nhân dân tệ khiến thị trường tài chính thế giới một phen chao đảo).
Việc trì hoãn nâng lãi suất lần này của FED có thể làm giảm nguy cơ giảm phát và tác dụng phụ với các thị trường khác.
Dù lần này FED chưa thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất?
- Vẫn còn 2 cuộc họp của FED từ nay đến cuối năm. Điều quan trọng nhất là thông điệp của FED. FED sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất cơ bản hay vẫn tăng tốc độ rất chậm nhằm không gây tác động lớn đến thị trường tài chính thế giới. Theo tôi, nhiều khả năng tình huống thứ hai sẽ diễn ra. Mục đích của FED là tạo ra sự ổn định và phát triển cho kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu, nên mức tăng chắc sẽ không nhiều và chia làm nhiều giai đoạn để nền kinh tế thẩm thấu dần.
Như vậy là áp lực tỷ giá và điều hành tiền tệ sẽ không còn?
- Nhiều ý kiến cho rằng việc FED chưa nâng lãi suất khiến áp lực đối với tỷ giá không tăng, song vẫn duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, tôi cho rằng, chúng ta cũng đã có những phản ứng chính sách trong 2 tháng qua. Từ đầu năm đến nay, USD đã tăng giá 5% so với VND. 3 lần tăng tỷ giá và 2 lần nới biên độ từ đầu năm đến nay đã giúp xử lý phần nào những yêu cầu nội tại của nền kinh tế và dự phòng cho những diễn biến bên ngoài. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã rất đúng đắn khi không khuyến khích cho vay ngoại tệ đối với các DN không có nguồn thu xuất khẩu. Điều này đã phần nào giảm lượng vốn vay ngoại tệ trên thị trường trong vài năm trở lại đây, giúp giảm áp lực lên thị trường ngoại hối khi thị trường đổi chiều.
Hiện, chúng ta có cán cân thanh toán thặng dư, xuất khẩu tăng trưởng mạnh, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn chọn Việt Nam là điểm đến hấp dẫn so với các nước khác. Do đó, nguồn cung ngoại tệ trên thị trường hoàn toàn có khả năng đáp ứng được cầu ngoại tệ của DN và người dân. Tuy nhiên, trước biến động ngày càng mạnh, phức tạp của thị trường tài chính thế giới thì dù có những giải pháp phòng ngừa nhưng NHNN cần phải tính đến cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn sau khi tỷ giá trở về trạng thái ổn định. Tuy NHNN có đủ công cụ can thiệp, nhưng cần thêm phương án dự phòng cho những tháng đầu năm sau như bổ sung dự trữ ngoại hối để tăng cường khả năng chịu đựng và can thiệp.
Còn về điều hành lãi suất thì sao, thưa ông?
- Hiện nay, lãi suất VND cao hơn rất nhiều lần so với USD. Thứ nhất, dù có biến động về tỷ giá nhưng nhìn chung VND vẫn ổn định trong cả năm. Thứ hai, lạm phát của chúng ta đang ở mức rất thấp (dự kiến từ 1 - 1,5% cho cả năm), trong khi tăng trưởng kinh tế đang trên đà phục hồi (6 - 6,5%). Thứ ba, kinh tế vĩ mô đã ổn định. Những nhân tố này tạo ra một bức tranh tổng thể tương đối sáng và vững chắc để có thể dự báo về những triển vọng tích cực vào cuối năm.
Với động thái của FED không tăng lãi suất, kinh tế trong nước được lợi gì?
- Về quy luật, khi lãi suất tăng thì thị trường chứng khoán đi xuống. Vì dự báo FED tăng lãi suất, chứng khoán Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… đều giảm giá rất lớn. Khi FED không tăng lãi suất thì tác động sẽ tích cực hơn. Với Việt Nam, thị trường chứng khoán mặc dù cũng chịu tác động từ Mỹ nhưng nhìn chung giá cổ phiếu bị ảnh hưởng của các yếu tố mang tính nội tại nhiều hơn. Nếu FED tăng lãi suất, áp lực nợ công hiện rất lớn sẽ thêm sức ép tới những người làm chính sách. Tôi cho rằng nếu khoanh lại các yếu tố, chỉ bàn riêng lẻ việc FED chưa tăng lãi suất thì đó là tín hiệu tích cực cho thị trường tài chính, chứng khoán Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Tỷ giá, chứng khoán được giải tỏa áp lực Sau quyết định không tăng lãi suất của FED, ngày 18/9, thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận mức tăng điểm trong khi chỉ số USD giảm mạnh nhất trong vòng 3 tuần, tạo động lực thúc đẩy giá vàng. Giá vàng trên thị trường thế giới nhảy lên mức 1.131 USD/ounce. Trong khi giá vàng SJC trong nước tăng thêm 140.000 đồng/lượng, tỷ giá VND/USD đã hạ nhiệt nhanh chóng. Hàng loạt ngân hàng điều chỉnh giảm, có ngân hàng đã giảm 50 đồng/USD. Trong khi thị trường chứng khoán trong nước hứng khởi, giao dịch trở nên sôi động hơn. |
Sau cú phá giá đồng Nhân dân tệ gây sốc của Trung Quốc, FED càng trở nên thận trọng trong việc tăng lãi suất. Trong khi cả thế giới đang nới lỏng tiền tệ, không có lý do gì khiến FED phải thắt chặt chính sách tiền tệ, nhất là khi lạm phát của Mỹ đang ở mức thấp. Và nếu có điều chỉnh vào các kỳ tới thì mức điều chỉnh của FED cũng sẽ rất nhẹ. Trong khi đó, khả năng Trung Quốc phá giá mạnh vài phần trăm đồng nội tệ cũng không có.
Chuyên gia kinh tế TS Lê Xuân Nghĩa
|