Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm bớt thủ tục không cần thiết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cải cách thủ tục hành chính là một công việc được triển khai từ nhiều năm nay. Thế nhưng kết quả chưa được là bao, vì sao lại như vậy ?

Cải cách thủ tục hành chính là làm cho công tác hành chính có những thay đổi đem lại lợi ích, tốt đẹp cho mọi giao dịch hành chính, tạo thuận lợi nhiều hơn cho mọi người, mọi cơ quan khi phải giao dịch hành chính. Để đạt được mục tiêu trên thì trước hết cơ quan công quyền và mọi người dân phải nhận thức được trách nhiệm phục vụ và trách nhiệm thực hiện các thủ tục hành chính. Bác đã dậy: "Cán bộ là công bộc của dân". Không biết từ bao giờ, có thể từ chế độ phong kiến đế quốc để lại. Khi người dân cần địa phương xác nhận cho mình vấn đề gì thì đều nghĩ là phải đi xin xác nhận. Tôi nghĩ xác nhận điều gì cho dân là trách nhiệm của cơ quan địa phương. Nếu việc xác nhận đủ chứng cứ thì phải xác nhận, nhận thức được như vậy thì người đi lấy xác nhận không phải hạ thấp mình "xin" và cán bộ công quyền cũng không có quyền "ban phát" mà phải thực thi nhiệm vụ, trách nhiệm của mình.

Có được nhận thức trên thì mới có được những chủ trương, biện pháp cụ thể để tiến hành cải cách hành chính. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan mà đề ra những việc làm cụ thể về thủ tục hành chính: nội dung cụ thể, phương pháp cụ thể và công khai cụ thể.

Phải làm việc theo kế hoạch đã được công khai ở tất cả các cấp để chống cách làm việc tùy tiện làm mất thời gian của người khác. Phải phấn đấu đạt mục tiêu rút ngắn thời gian giải quyết công việc.

Bãi bỏ các thủ tục không thực cần thiết cho công việc. Ví dụ: một bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo tại khoa thận nhân tạo - bệnh viện Bạch Mai từ năm 2008. Lúc ấy ở bệnh viện địa phương chưa có chạy thận và hiện nay cũng chưa có. Thế mà năm nào cũng bắt bệnh nhân phải xin giấy chuyển viện của bệnh viện địa phương lên nộp cho bệnh viện Bạch Mai vào đầu năm, nếu không thì phải trả tiền chạy theo giá tự do.

Việc thứ hai là kê khai đề nghị tặng thưởng "Huân chương bảo vệ Tổ quốc". Có đến gần 20 nghị định, hướng dẫn phức tạp lại thiếu thực tế. Tại sao lại không căn cứ vào thời gian cầm súng bảo vệ Tổ quốc để tặng thưởng. Ví dụ: Quân đội thì cứ 25 năm là được tặng "Huân chương quân kỳ quyết thắng". Thế thì 30 năm thì được tặng huân chương "Bảo vệ Tổ quốc" hạng Ba, 35 năm thì hạng hai và 40 năm thì hạng một. Đối với những người trực tiếp chiến đấu, ở biên giới, hải đảo thì được tính hệ số năm phục vụ. Làm như vậy có đơn giản và chính xác.

Về tổ chức thực hiện: Có kế hoạch thực hiện từng bước cụ thể; Đề cao trách nhiệm từng người, từng tổ chức trong quá trình thực hiện. Kiểm tra, nhận xét, đánh giá, xử lý nghiêm khắc những thiếu sót, sai phạm. Các cơ quan đều có hòm thư góp ý. Hòm thư được mở và đọc thư trước sự chứng kiến của tập thể.