Giảm giá tới 30%, nhà đất Hà Nội giá vẫn cao

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo nhận định của chuyên gia, tại thị trường Hà Nội, ở những nơi giá bất động sản (BĐS) giảm tới 20-30% nhưng vẫn còn cao hơn giá sản xuất ra hàng hóa BĐS, có nghĩa là chưa có nguy cơ làm nhà đầu tư bị thua lỗ nhiều, mất vốn nhiều.

Theo khảo sát, nhiều dự án khu chung cư ở khu vực Hà Đông như Tháp Doanh nhân, Usilk, The Pride có giá chào bán từ trên 26 - 28 triệu đồng/m2. Giá chào bán căn hộ ở dự án Ciputra, Golden Westlake ở quận Tây Hồ khoảng 50 - 80 triệu đồng/m2.

Căn hộ có diện tích dưới 100m2 ở khu vực Văn Khê dao động từ 21 đến 25 triệu đồng/m2. Chung cư Ngô Thì Nhậm diện tích nhỏ 70-80m2 khoảng 24 triệu đến 25 triệu đồng/m2. Xa La cũng tương tự, dao động từ 22 - 26 triệu đồng/m2 tùy hướng và diện tích.
 
Hiện đất nền Kim Chung - Di Trạch đã chững lại với giá khoảng 40 triệu đồng/m2, Bắc An Khánh chỉ còn chênh đến 1,2-2 tỷ đồng mỗi căn, trước đây chênh tới 5-6 tỷ đồng/căn.
 
Giá đất dự án Nam An Khánh hiện trên 30 triệu đồng/m2 giảm 10 triệu đồng/m2 so với thời điểm đầu tháng 3. Hiện, chủ đầu tư đã bắt đầu bán tiếp hàng đợt 2 với mức giá gốc 31 triệu đồng/m2, tiền chênh ngoài 4-5 triệu đồng/m2.
 
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ cho hay, so với TP Hồ Chí Minh thì sức cung ở thị trường Hà Nội mới chỉ bằng 1/3. Tổng dư nợ tín dụng mà thế chấp bằng BĐS ở Hà Nội cũng chỉ bằng 1/3 so với TP Hồ Chí Minh. Vì thế, giá cả ở Hà Nội luôn luôn ở mức cao vì cầu của Hà Nội không chỉ cho người Hà Nội mà còn cho người dân cả vùng xung quanh, thậm chí cả các tỉnh phía Bắc luôn có nhu cầu có nhà thứ hai ở Hà Nội.
 
Nhận định mức giảm giá nhà đất ở Hà Nội đã đến đáy chưa? ông Võ cho rằng, giá thấp như ở TP Hồ Chí Minh cũng chưa đến đáy chứ chưa nói đến giá vẫn cao như ở thị trường Hà Nội. “Chúng ta tính tiền đất, tiền xây dựng… là bao nhiều thì chúng ta biết giá cả sản xuất, cộng với chi phí lưu thông thì sẽ biết đâu là giá đến tay người tiêu dùng ở mức không có lãi.  Theo tôi, với mức giá đã giảm như hiện nay ở Hà Nội thì nhà đầu tư rất có lãi, giá vẫn còn cao hơn giá cả sản xuất”, ông Võ phân tích.
 
Bên cạnh đó, ông Võ cũng cho rằng, các giao dịch trên thị trường hiện nay giảm, trầm lắng, tình trạng thiếu vốn xảy ra… thế nhưng chưa dẫn đến mức thị trường suy thoái. Bởi lẽ, thế chấp vay tín dụng bằng BĐS hiện nay vẫn khống chế dưới 10% tổng dư nợ tín dụng. Mặt khác, ở những nơi giá BĐS giảm tới 20-30% nhưng vẫn còn cao hơn giá cả sản xuất ra hàng hóa BĐS, có nghĩa là chưa có nguy cơ làm nhà đầu tư bị thua lỗ nhiều, mất vốn nhiều.
 
Cung – cầu chênh lệch khá lớn, mà việc giải quyết vấn đề mất cân đối cung – cầu ở Hà Nội theo ông Võ là câu chuyện khó. Để đạt được tình trạng giảm giá mạnh ở thị trường Hà Nội thì cần thời gian dài hơn mới có thể đạt được. Tuy nhiên, thị trường BĐS sẽ kịp phục hồi, kịp ấm lại ngay sau khi chúng ta giải quyết được bài toán kiềm chế lạm phát.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần