Bởi vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ngồi lại với khối DN nhiều tỉnh, thành, trong đó có hai TP lớn là Hà Nội và TP. HCM để tìm lời giải cho mối quan hệ ngân hàng - DN.
Doanh nghiệp dần phai nhạt niềm tin
Tại cuộc gặp giữa NHNN và các DN trên địa bàn TP. HCM cuối tuần qua, nhiều DN cho rằng, khoảng cách giữa ngân hàng và DN vẫn còn xa, ngân hàng vẫn chưa thực sự thông cảm với các khó khăn của DN. Theo ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty May túi xách Minh Tiến, mỗi năm, công ty ông cần 40 tỷ đồng để làm ra khoảng 400.000 sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của 23 triệu học sinh. "Tài sản thế chấp có 6,5 tỷ đồng, công ty đề nghị thế chấp hàng tồn kho nhưng các ngân hàng đều lắc đầu"- ông Kiên nói.
Nhiều DN phản ánh, việc trì hoãn giảm LS cho vay của ngân hàng dần làm niềm tin của DN phai nhạt. Đại diện một DN đặt câu hỏi, NHNN kiểm soát việc giảm lãi vay của ngân hàng như thế nào? Thống đốc NHNN khẳng định: Từ ngày 15/7, lãi vay cũ về dưới 15% nhưng thực tế còn nhiều DN chưa được thụ hưởng ưu đãi này. Mặt bằng lãi suất Việt Nam đang cao so với khu vực Đông Nam Á, mức lãi suất này đang dần làm giảm sức cạnh tranh của DN. Do đó, lãi cho vay phải giảm xuống thêm, giảm về 10%/năm là hợp lý" - ông Văn Đức Mười, Chủ tịch Hội Thực phẩm TP. HCM nhận định.
Ngân hàng phải làm gì?
Lắng nghe ý kiến của các DN, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, tính đến 15/7, các khoản cho vay cũ còn có lãi suất trên 15%, chiếm xấp xỉ 60%. Tuy nhiên, đến ngày 27/7 số này chỉ còn hơn 37%. Như vậy, chỉ trong hai tuần, ngân hàng đã giảm lãi suất cho gần một nửa DN. Vấn đề còn lại là với những DN chưa được giảm, cần tiếp tục có các giải pháp mạnh hơn, sát sườn hơn để tìm được giải pháp tối ưu nhất.
Lãi suất cao đang gây khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Ảnh:Việt Linh
Theo Tổng Giám đốc Eximbank Trương Văn Phước, qua thống kê trên 42% DN tại TP. HCM vay tại Eximbank, thấy rằng hàng tồn kho hiện đang cao gấp đôi số nợ. Đặc biệt, trong 100 đồng hàng tồn kho ấy chỉ có 23 đồng hàng tồn kho luân chuyển, còn lại 73 đồng hàng tồn kho nằm bất động. Điều đó cho thấy, nợ xấu, nợ quá hạn của hệ thống NHTM bắt nguồn từ sức cầu của nền kinh tế suy giảm nghiêm trọng, khiến ngân hàng và DN không thể làm ăn bình thường được. "Vậy ngân hàng làm gì để hỗ trợ DN? Riêng Eximbank đã dành 63% vốn tín dụng cho TP. HCM, chỉ có 27% dành cho các tỉnh còn lại. Chúng tôi cũng đã phải khoanh nợ, giảm nợ cho 630 DN với số tiền là 3.862 tỷ đồng. Việc khoanh nợ, giãn nợ mà NHTM có tiền lệ 6 tháng trả lãi một lần, trong khi nếu chúng tôi huy động thì DN phải trả hàng tháng mà lại kéo dài trả lãi từ một năm ra 2 - 3 năm, dài hạn là 5 - 7 năm. Điều này ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các ngân hàng, nhưng nếu NHNN không cho cơ cấu lại nợ thì nợ xấu còn tiếp tục tăng"- ông Phước nói.
Lãnh đạo một ngân hàng khác cũng cho biết, những vướng mắc DN gặp phải trong quá trình vay vốn, đề nghị DN trao đổi cụ thể với ngân hàng cần tháo gỡ khó khăn ở chỗ nào, nếu cấp chi nhánh không giải quyết được thì DN nên trao đổi với cấp quản lý cao hơn của ngân hàng. Ông này cũng cho rằng, DN không nên chỉ dựa vào ngân hàng mà nên mở rộng huy động vốn qua các kênh khác, nên thông cảm và đừng đổ lỗi cho ngân hàng.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình dự tính, nếu lạm phát cả năm nay được khống chế ở khoảng 7% lãi suất huy động VND có thể giảm tiếp xuống còn 8%/năm. Và nếu nền kinh tế phát triển ổn định, lạm phát vẫn được khống chế, giữa năm 2013 lãi suất huy động có thể chỉ còn 7%/năm, khi đó lãi suất cho vay sẽ ở khoảng 10%/năm.
Trong giai đoạn này, nếu ngân hàng thương mại nào có dự án tốt, có dư nợ tín dụng tốt mà thiếu vốn thì NHNN sẵn sàng cho vay với lãi suất 10% và yên tâm không mất thêm chi phí nào nữa. Về vốn ngắn hạn, NHNN cũng luôn cung cấp đầy đủ và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng hiện nay cũng chỉ ở mức thấp khoảng 4%, rất thuận lợi cho các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, năm qua và cả trong sáu tháng đầu năm, NHNN cũng đã mua tín phiếu của các ngân hàng thương mại với lãi suất trên 10%. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình |