Mối lo ngập úng
Thời gian gần đây, tại những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tình trạng ngập úng luôn là mối lo ngại mỗi khi mùa mưa đến. Trong khi đó, các địa phương cũng đã dành nhiều nguồn lực để cải thiện hệ thống thoát nước nhưng việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật không theo kịp với tốc độ gia tăng dân số nhanh. Chỉ tính riêng tại Thủ đô Hà Nội, bình quân mỗi năm dân số tăng khoảng 200.000 người nhưng tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ chỉ tăng khoảng 3%/năm.Số liệu từ Hội Cấp thoát nước Việt Nam, khoảng 50% lượng nước mưa tự nhiên được thấm vào lòng đất, 40% bốc hơi tự nhiên và chỉ khoảng 10% lượng nước chảy vào hệ thống kênh rạch. Trong đô thị chỉ có 15% lượng nước được thấm vào lòng đất, do bề mặt tự nhiên đã bị thay thế bởi các công trình bê tông kiên cố. Lượng nước mưa được thoát thẳng xuống hệ thống thoát nước trong TP chiếm tới 55%, gấp 5 lần so với bề mặt tự nhiên nên hệ thống thoát nước luôn đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch đô thị.Do lớp bao phủ bề mặt tại các khu đô thị đều được làm từ vật liệu không thấm như đá tự nhiên, bê tông truyền thống... đã làm chậm quá trình bốc hơi nước vào không khí dẫn tới biến đổi thời tiết. Trong khi đó, thay vì ngấm xuống đất bổ sung nguồn nước ngầm tự nhiên, thì nước tại các đô thị đều chảy vào hệ thống thoát nước và đổ dồn vào những khu vực trũng, gây ra hiện tượng ngập úng. “Một biện pháp đơn giản để tránh hiện tượng này là ngưng việc sử dụng các loại bê tông thông thường để làm lớp vật liệu bao phủ bề mặt ngăn cản nước thấm vào lớp đất bên dưới. Thay vào đó, sử dụng bê tông rỗng, một loại vật liệu góp phần xử lý, thu hồi và bảo vệ nguồn nước tại chỗ” – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội GS.TS Phan Quang Minh cho hay.Các chuyên gia cho rằng, giải quyết bài toán ngập úng của các TP lớn cần có giải pháp mang tính tổng thể. Trong đó, có giải pháp về sử dụng vật liệu thấm nước khi xây dựng công trình hạ tầng công cộng mà bê tông hốc rỗng đang được nhiều đơn vị nghiên cứu, với mục đích để hoạt động thoát nước đô thị tiệm cận với thông số tự nhiên.Cần phải được kiểm chứngKết quả thí nghiệm của Viện Chuyên ngành bê tông - Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) cho thấy, bê tông rỗng có khả năng thoát nước rất tốt. Khi dùng đá kích thước càng nhỏ thì kích thước các hốc rỗng sẽ giảm nhưng độ rỗng lại tăng và từ đó làm tăng khả năng thoát nước, góp phần làm giảm tải ngập úng trong đô thị. Số liệu nghiên cứu chỉ ra rằng, bê tông độ rỗng từ 20 - 25%, dày 20cm thì sẽ trữ được 4 - 5cm nước, trong khi đá granite thì độ hút nước tối đa 0,5%, đá marble là 0,2%. Do đó, có thể dùng bê tông hộc rỗng vào các công trình công cộng như lề bộ hành, công viên, bãi đỗ xe, taluy, mái dốc ven sông… Tuy nhiên, công nghệ này vẫn còn một số hạn chế, đó là khả năng chịu lực thấp, giảm khả năng trữ nước, thoát nước khi gặp những vật cản như cát, bụi, đất, phế thải xây dựng…Về vấn đề này, theo KTS Trần Hoàng – Văn phòng KTS Huy Hoàng cho biết, việc nghiên cứu ra một loại vật liệu xây dựng mới có khả năng giảm thiểu tình trạng ngập úng tại đô thị là rất thiết thực nhưng để đưa vào thực tế cần phải đầu tư nghiên cứu và thử nghiệm kỹ càng. “Đơn cử như việc sử dụng gạch không nung, chúng ta nóng vội thực hiện chương trình với hàng loạt DN được thành lập nhưng khi sản xuất ra thì sản phẩm không đảm bảo chất lượng, yêu cầu kỹ thuật dẫn đến việc công trình xây dựng trong một thời gian ngắn sử dụng đã bị nứt, gãy, thấm nước làm giảm chất lượng và ảnh hưởng đến mỹ quan” – KTS Trần Hoàng cho hay.Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam - TS Nguyễn Quang Cung cho biết, một số quốc gia phát triển tại Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã áp dụng sản phẩm vật liệu thấm nước dùng làm đường giao thông, bãi đỗ xe, vỉa hè, sân công cộng và các công trình ngoài trời khác. “Những năm gần đây, quá trình bê tông hóa đô thị nhanh chóng, đã gây ra không ít hệ lụy cho môi trường tự nhiên và xã hội như hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, ngập úng, ô nhiễm môi trường, sụt giảm nguồn nước ngầm, sụt lún nền đất đô thị, tiêu diệt sinh vật tự nhiên trong lòng đất. Vì vậy, việc nghiên cứu và sản xuất loại sản phẩm này là tín hiệu rất đáng mừng với ngành sản xuất vật liệu xây dựng của Việt Nam, góp phần giải quyết vấn đề ngập úng tại các đô thị, thúc đẩy phát triển đô thị bền vững, thân thiệt với môi trường” - TS Nguyễn Quang Cung nhìn nhận.
Với tốc độ gia tăng dân số như hiện nay, cùng với đó là sự quá tải về hạ tầng kỹ thuật dẫn đến tình trạng tắc đường, ô nhiễm môi trường, ngập lụt thường xuyên xảy. Nếu không sớm có giải pháp để khắc phục, chỉ trong vòng chưa đầy chục năm nữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ bị rơi vào “ma trận” của quá tải hạ tầng. Vì vậy, cần phải có giải pháp quy hoạch hạ tầng giao thông và nghiên cứu những sản phẩm vật liệu xây dựng thích ứng với biến đổi của môi trường, khí hậu.TS Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia kinh tế |