Theo GS Phạm Tất Dong - Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, xóa nghèo đa chiều là giải pháp quan trọng để xóa mù bền vững.
Ông Dong cho rằng, nạn mù chữ diễn ra khá nặng ở miền núi, vùng khó khăn. Người dân tộc học tiếng Việt không khác gì học thêm một ngoại ngữ. Thực tế việc học tiếng Kinh không đơn giản, bởi có những cháu học tiếng Kinh từ lớp 1 đến lớp 5 vẫn chưa thể nói thuần thục. Không ít người ở độ tuổi từ 35 - 60 bị mù chữ và tái mù chữ, mặc dù họ đã qua lớp học XMC, vì không có cơ hội dùng đến tiếng Kinh. “Nguyên nhân sâu xa nhất khiến người ta bị mù chữ là do nghèo. Họ phải tìm cách kiếm cái ăn thay vì chú ý đến học XMC. Mà đi kiếm ăn thì sẽ bị rơi rụng cái chữ. Vì thế, người ta cứ mù chữ đi mù chữ lại, có người theo học bao nhiêu lớp XMC vẫn không đọc được. Do đó, về mặt chính sách Nhà nước không thể bỏ qua được vấn đề này, nhưng chạy theo thì cực kỳ khó” - ông Dong khẳng định.
Theo ông Dong, để người dân không bị tái mù chữ, phải nhanh chóng xóa nghèo đa chiều, trong đó nghèo về kiến thức, về học tập cần được xóa đầu tiên và phải tập trung kinh phí để giải quyết. Bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam bày tỏ quan điểm: Việt Nam đã nói công tác XMC không chỉ dừng lại ở kỹ năng đọc - viết, mà còn tăng cường xóa mù kiến thức khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông và nhiều lĩnh vực khác. Bởi vậy, để XMC trước hết đồng bào phải có tivi, máy tính. Thứ nữa, nên đầu tư vào đường, điện, trạm, nước sạch, môi trường cho những khu vực vùng sâu, vùng xa. Hội Khuyến học Việt Nam đã tính đến chuyện trang bị cho người dân có nghề. Gần đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ LĐTB&XH coi Hội Khuyến học như một thành viên tham gia xóa mù nghề cho nông dân, giúp họ tăng thêm thu nhập.
“Chúng tôi đã thống nhất cử cán bộ của các trung tâm học tập cộng đồng đi tập huấn về sử dụng máy tính và sau đó dạy lại cho người dân cách khai thác thông tin trên mạng. Lúc đó, Bộ GD&ĐT soạn chương trình học và Hội Khuyến học Việt Nam sẽ đưa hội viên đến dạy cho người dân” - ông Dong cho biết. Gần đây, Hội Khuyến học cũng ký kết với Bưu điện văn hóa xã về việc phía đối tác cung cấp 8.000 máy tính chưa sử dụng đến, Hội đưa ra nhu cầu người dân muốn học tập để thực hiện. Hy vọng với những nỗ lực này, trong thời gian tới, công tác XMC sẽ có chuyển biến và góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
Một lớp học xóa mù chữ tại bản Giáp Gát, xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An. Ảnh: Hoàng Lam
|