Giảm nhẹ rủi ro thiên tai: Lời giải từ hạ tầng

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai, từ đầu năm 2018 đến nay, thiên tai đã khiến ít nhất 110 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính 3.600 tỷ đồng. Đáng lo ngại, vẫn còn rất nhiều khu vực dân cư dễ bị tổn thương, đòi hỏi sớm có giải pháp ứng phó căn cơ.

 Xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ bị ngập do mưa lũ.
Trong số 14/21 loại hình thiên tai đã xảy ra tại Việt Nam từ đầu năm 2018 đến nay, lũ quét và sạt lở đất là đáng lo ngại hơn cả. Hai hình thái này đã xảy ra liên tiếp trên phạm vi 11 tỉnh khiến hàng trăm người chết, 206 nhà dân bị sập đổ, 2.830 ngôi nhà bị ngập... Đáng chú ý, đến nay vẫn còn 7.716 hộ dân tại 16 tỉnh, TP không có chỗ ở đảm bảo an toàn, cần phải di dời.

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, tổng số dân cư khu vực thường xuyên bị ngập úng kéo dài; vùng ven biển miền Trung, các bãi bối ngoài các tuyến đê lên tới gần 2,5 triệu người (trong đó, 1.767.243 người/766 khu dân cư trong bối và trên bãi sông vùng Bắc Bộ; khu vực miền Trung 652.008 người/152.820 hộ). Đến nay, vẫn chưa có phương án chống lũ đồng bộ cho những khu vực nêu trên.

Hiện, cả nước có 244km đê thiếu cao trình (tập trung ở hạ lưu hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã); 713km đê không đảm bảo mặt cắt thiết kế; 318 vị trí thường xảy ra đùn sủi, thẩm lậu khi có lũ; 239 trọng điểm đê điều xung yếu, 477 cống cũ, hư hỏng và 220km kè bị hư hỏng, xung yếu cần tu bổ, sửa chữa. Ngoài ra, 366 hồ chứa trong trạng thái xung yếu, có nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ. Không chỉ trên đất liền, nguy cơ sạt lở đối với bờ sông, bờ biển cũng rất đáng lo ngại. Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, cả nước hiện có 2.055 điểm sạt lở với tổng chiều dài 2.710km, trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm 93 điểm, tổng chiều dài 237km; sạt lở nguy hiểm 735 điểm.

Để chủ động ứng phó với diễn biến thiên tai hiện nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đề nghị các bộ, ngành, các địa phương cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án ổn định nhà ở cho đồng bào vùng lũ. Rà soát các phương án chống lũ, xử lý sự cố để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ khắc phục sự cố hồ chứa xung yếu và các dự án hỗ trợ nâng cấp đê điều của Ngân hàng Thế giới.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh đòi hỏi cấp thiết nâng cao hiệu quả công tác quản lý tàu thuyền và nuôi trồng thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại khi có mưa bão. Theo quy hoạch, có 146 khu neo đậu với tổng công suất neo đậu 99.210 tàu, hiện mới được đầu tư nâng cấp 68 khu với công suất 51.400 chiếc (đáp ứng 52% so với quy hoạch). Đây là những vấn đề rất cấp thiết, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần tập trung phối hợp giải quyết nhằm chủ động ứng phó với diễn biến thiên tai ngày một bất thường hiện nay.