Điều đó cho thấy ngành hải quan cần đưa ra những giải pháp tháo gỡ. Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại buổi tọa đàm trực tuyến "Đột phá thủ tục quản lý chuyên ngành với hải quan", do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 2/4.
Hầu hết các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đều có chung ý kiến: Vướng mắc lớn nhất hiện nay trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu là thủ tục quản lý chuyên ngành, gắn với trách nhiệm của nhiều bộ, ngành khác nhau đã làm chậm trễ thời gian thông quan. Chẳng hạn, hồ sơ xin cấp chứng nhận hàng hóa đòi hỏi quá nhiều giấy tờ, đặc biệt là tờ khai hải quan… Số liệu được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, chỉ tính riêng quý I và II/2014, có đến gần 35% hàng hóa xuất nhập khẩu chịu sự quản lý chuyên ngành.
Về vấn đề này, bà Đỗ Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2015 của Chính phủ, hiện, Bộ Công Thương đang rà soát, theo hướng giảm nhóm hàng quản lý chuyên ngành, rà soát lại quy trình cấp phép, thực hiện kết nối cơ chế một cửa quốc gia với Tổng cục Hải quan qua đó giảm giấy tờ, chứng từ và số giờ thông quan tại cửa khẩu.
Bà Lê Như Quỳnh - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách thủ tục hải quan (Tổng Cục Hải quan) khẳng định: Nhằm giảm thiểu thời gian thông quan, thời gian tới, ngành tập trung hoàn thiện thể chế chính sách kiểm tra chuyên ngành, phù hợp thông lệ quốc tế; đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực… Những vấn đề gì liên quan đến thực hiện chuẩn mực và thông lệ quốc tế sẽ được áp dụng chủ yếu tại 5 cửa khẩu và cảng biển lớn gồm: Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của cơ quan hải quan còn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan liên quan và cả cộng đồng DN, để cùng chung sức giảm thời gian giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tọa đàm trực tuyến "Đột phá thủ tục quản lý chuyên ngành với hải quan"
|