Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm phát thải trong nông nghiệp: Chờ những giải pháp mới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mỗi năm, ngành nông nghiệp nước ta thải ra môi trường trên 100 triệu tấn khí thải CO2 (cacbon), đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của ngành và môi trường sinh thái.

Làm thế nào để giảm phát thải trong nông nghiệp là vấn đề “nóng” được Bộ NN&PTNT cùng các chuyên gia bàn thảo tại một hội nghị mới đây. 
 
Phát thải ngày càng tăng

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, lượng khí thải từ sản xuất nông nghiệp đang tăng chóng mặt. Nếu như năm 2000, phát thải từ nông nghiệp là 65 triệu tấn CO2, chiếm 43,1% tổng lượng phát thải của quốc gia thì đến nay con số này đã lên tới 110 triệu tấn, tăng 45 triệu tấn. Trong đó chủ yếu là phát thải từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và ngành nghề nông thôn. Riêng ngành trồng lúa "đóng góp" tới 40% lượng phát thải của toàn ngành. Bộ NN&PTNT dự báo, đến năm 2020 phát thải từ nông nghiệp đạt 114,4 triệu tấn.

 Trong lĩnh vực chăn nuôi, với tốc độ tăng trưởng 8%/năm trong vòng 10 năm trở lại đây, ngành chăn nuôi đã thải ra môi trường 11,15 triệu tấn CO2/năm. Cùng với đó, mỗi năm chăn nuôi thải ra 50 - 65 triệu tấn phân chuồng. Bà Nguyễn Quỳnh Hoa, Điều phối viên dự án Chương trình khí sinh học Cục Chăn nuôi cho biết, các động vật nhai lại và chăn nuôi lợn phát thải khí nhà kính lớn nhất. Dự báo trong giai đoạn 2020 - 2030 lượng phát thải từ chăn nuôi sẽ tăng lên gần 30% do nhu cầu sử dụng thịt động vật ngày càng tăng.

Trong khi đó, theo tính toán của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, tổng lượng phát thải CO2 do nuôi trồng thủy sản thải ra năm 2010 khoảng 5,2 triệu tấn. Trong đó, khí thải CO2 từ nuôi cá tra khoảng 1,6 triệu tấn, nuôi tôm 1 triệu tấn, các loại cá nước ngọt khác khoảng 1,5 triệu tấn, nuôi cá nước biển thải ra khoảng 100.000 tấn… TS Phan Thị Vân, chuyên gia của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 cho biết, phát thải khí nhà kính trong nuôi trồng thủy sản từ ba nguồn chính là: Sử dụng năng lượng trong quá trình sản xuất và cung ứng đầu vào như thức ăn, phân bón, hóa chất; vận hành các hoạt động nuôi như hút bùn, bơm, quạt nước; thủy phân chất hữu cơ từ thức ăn và chất thải trong quá trình nuôi. Trong đó 80 - 90% phát thải trong các hoạt động nuôi thủy sản theo hình thức thâm canh.

Ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất

Ông Triệu Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ NN&PTNT) cho biết, để giảm được lượng phát thải từ nông nghiệp, cần áp dụng nhiều biện pháp tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Do phải duy trì 3,8 triệu hecta đất lúa nên tập trung giảm phát thải trong chăn nuôi bằng cách thay đổi khẩu phần thức ăn chăn nuôi, ứng dụng công nghệ hầm biogas để xử lý phế thải chăn nuôi, sản xuất nhiên liệu sạch thay thế nhiên liệu hóa thạch… Cùng với đó, lâm nghiệp được coi là ngành có khả năng hấp thụ lượng khí nhà kính tương đối tốt. Do đó, cần bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 11,7 triệu hecta đất rừng hiện nay. Đồng thời trồng mới 1,5 triệu hecta trên các vùng quy hoạch cho lâm nghiệp theo Chiến lược phát triển lâm nghiệp đến năm 2020.

Để giảm phát thải trong trồng lúa, theo TS Nguyễn Việt Anh, Đại học Thủy lợi, cần áp dụng kỹ thuật tưới nước "nông - lộ - phơi", tức là điều chỉnh lượng nước trong ruộng theo thời kỳ sinh trưởng. "Giảm lượng nước tưới ở giai đoạn không cần thiết không chỉ giảm được khí mê tan (NH4) mà còn tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất cho người nông dân" - TS Nguyễn Việt Anh chia sẻ. Để ứng dụng kỹ thuật này, các địa phương cần nhanh chóng dồn điền đổi thửa và hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng, đảm bảo năng lực tưới tiêu.

TS Phan Thị Vân cho biết, khoảng 80% sản lượng thủy sản nuôi trồng ở nước ta là từ các hộ quy mô nhỏ. Do đó, để đảm bảo giảm được 20% lượng phát thải đến năm 2020 cần giúp người nông dân lựa chọn loài nuôi, hình thức và công nghệ nuôi hợp lý với chi phí thấp. Trong đó, chú trọng nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP).

Theo Đề án giảm phát thải trong nông nghiệp Việt Nam đến năm 2020, mục tiêu giảm 20% lượng phát thải khí nhà kính. Trong đó, ngành trồng trọt giảm được 9,46 triệu tấn CO2; chăn nuôi giảm được 6,3 triệu tấn CO2; thủy sản giảm được 3 triệu tấn CO2; ngành nghề nông thôn giảm được 4,78 triệu tấn CO2.