Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm rủi ro và tranh chấp pháp lý để doanh nghiệp không thua thiệt

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, khi một loạt những doanh nghiệp lớn, doanh nhân đại gia vướng vào lao lý đòi hỏi ngoài năng lực quản trị, việc nâng cao năng lực pháp lý, phòng ngừa rủi ro, giải quyết tranh chấp phải đặc biệt lưu tâm, tránh thua thiệt.

Rủi ro trong thương mại

Thực tế cho thấy, hiện nay là thời điểm đầy thách thức với nền kinh tế của Việt Nam và trên thế giới, sau gần 3 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đang đối diện với vô vàn khó khăn.

Theo Báo cáo PCI năm 2022 tốc độ tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh doanh nghiệp tư nhân đều ở mức thấp kể từ đại dịch Covid-19, năm 2022 chỉ 42,6% doanh nghiệp tư nhân cho biết họ có lãi, thấp hơn đáng kể con số 63% của năm 2019; tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ năm 2022 là 35,3% trong khi năm 2019 chỉ ở mức 23,4%.

Tổng Công ty May 10 luôn vững vãng trong hoạt động giao thương nhờ đồng bộ trong quản trị điều hành. Ảnh: Khắc Kiên
Tổng Công ty May 10 luôn vững vãng trong hoạt động giao thương nhờ đồng bộ trong quản trị điều hành. Ảnh: Khắc Kiên

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP May Việt Tiến, Tổng Công ty May 10 thẳng thắn chỉ ra, trong nỗ lực tìm kiếm thêm đơn hàng, có doanh nghiệp tại miền Trung làm việc với đối tác tại châu Mỹ Latinh, nhưng đối tác này lại yêu cầu thanh toán chậm lên tới 90 ngày. Điều này khiến các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ vừa ít đơn hàng, vừa dễ gặp rủi ro trong thương mại.

Những khó khăn của ngành dệt may nói riêng, các doanh nghiệp nói chung trong hoạt động xuất nhập khẩu đã được nhắc đến nhiều từ những tháng cuối năm 2022 đến nay. Trong môi trường đầu tư và thương mại quốc tế đầy biến động, các doanh nghiệp còn vấp phải những khó khăn liên quan đến pháp lý, cũng như tranh chấp đến từ khách hàng quốc tế.

“Trước những khó khăn từ thị trường, các doanh nghiệp đang tìm mọi giải pháp nhằm đa dạng hóa thị trường, tìm ra những phân khúc thị trường riêng và độc đáo. Tuy nhiên, những phức tạp cũng xuất hiện” – vị này nói.

Bởi, đầu tiên là phương thức thanh toán, trong bối cảnh thị trường khó khăn, các đối tác quốc tế luôn gây áp lực, không còn đàm phán bình đẳng, thậm chí họ cũng không sử dụng phương thức thanh toán an toàn như L/C, mà yêu cầu thanh toán bằng chuyển tiền với độ trễ từ 30 - 60 ngày, thậm chí đòi thanh toán chậm lên tới 90 ngày, tạo ra rủi ro cực lớn.

Khó khăn thứ hai là các thị trường thường dựng lên các hàng rào kỹ thuật một cách bất ngờ, ngay khi thấy lượng hàng xuất khẩu của nước ta tăng đột biến. Cùng với đó, các đối tác tại thị trường phát triển như EU luôn đòi hỏi những yêu cầu khắt khe, kể cả khi doanh nghiệp Việt Nam chưa thể áp dụng do pháp luật chưa quy định thì các đối tác nước ngoài vẫn cắt đơn hàng…

Đơn thân sẽ thua thiệt

Trước thực tế đó, các doanh nghiệp đều nhận định sự cần thiết trong việc hỗ trợ các vấn đề về tư vấn pháp lý, tăng cường kỹ năng phòng ngừa và giải quyết tranh chấp có hiệu quả.

AN MI TOOL không chỉ đầu tư công nghệ sản xuất và thường xuyên tham gia kết nối để chia sẻ kinh nghiệm trong giao thương. Ảnh: Thanh Hải
AN MI TOOL không chỉ đầu tư công nghệ sản xuất và thường xuyên tham gia kết nối để chia sẻ kinh nghiệm trong giao thương. Ảnh: Thanh Hải

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân cho hay, trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp cần lưu ý đến vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có các vấn đề đàm phán hợp đồng, giải quyết vướng mắc pháp lý…

Với mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp, từ khi thành lập, HANSIBA đã có Ban Pháp chế trực thuộc Ban Điều hành Hiệp hội, thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn, chia sẻ kiến thức pháp luật, phổ biến thông tin về luật pháp kinh tế quốc tế, cùng những hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết và tham gia. Qua đó, doanh nghiệp hội viên có thêm kiến thức pháp luật nhằm hội nhập sâu rộng với đối tác nước ngoài trong hoạt đầu đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Ông Vũ Đức Giang đồng tình và nhấn mạnh đến vai trò của các trọng tài thương mại, để hỗ trợ doanh nghiệp trong phòng ngừa rủi ro pháp lý. Theo đó, VIAC cần đẩy mạnh công tác hỗ trợ, tham gia cùng doanh nghiệp ngay từ khi doanh nghiệp đặt bút ký hợp đồng với đối tác, cho đến khâu thanh toán cũng như thông tin kịp thời về những thay đổi tại các thị trường quốc tế.

“Sân chơi toàn cầu nhưng thách thức rủi ro rất nhiều nếu không tỉnh táo có cơ sở pháp lý chặt chẽ. Nếu cứ đơn thân độc mã, đứng một mình trong biển lớn mênh mông như vậy sẽ thua thiệt. Do đó, doanh nghiệp cần chỗ dựa vững chắc và trọng trách đó VIAC sẽ gánh vác, đồng hành trong tầm nhìn bền vững” - ông Vũ Đức Giang khẳng định.

Bàn về vấn đề này, TS. Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho rằng, các doanh nghiệp cần nâng chất lượng sản phẩm, chuẩn bị sẵn các dự án cụ thể để mời gọi hợp tác đầu tư, nếu chưa có các dự án cụ thể cần giới thiệu nâng chất các sản phẩm hiện có của mình để có thể cung cấp tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trước những vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp phải, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) Vũ Tiến Lộc thông tin, thời gian qua, khi một loạt những doanh nghiệp lớn, doanh nhân đại gia vướng vào vòng lao lý, có thể thấy đó là hậu quả của một giai đoạn phát triển quá nhanh, quá nóng của nền kinh tế.

Thời gian sắp tới, doanh nghiệp cần phải hướng đến phát triển bền vững, phát triển xanh, ngoài việc nâng cao năng lực quản trị, việc nâng cao năng lực pháp lý, phòng ngừa rủi ro và giải quyết tranh chấp là những điều doanh nghiệp đặc biệt phải lưu tâm và vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp là cầu nối rất quan trọng. Bên cạnh chức năng hỗ trợ việc tìm kiếm và mở rộng thị trường, phát triển kinh doanh, các hiệp hội sẽ đẩy mạnh đầu mối để tập hợp những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, tham gia vào việc tư vấn chính sách, pháp luật và hỗ trợ giải quyết các tranh chấp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho hội viên.

 

Các hiệp hội với vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và VIAC để được hỗ trợ pháp lý, tham gia giải quyết các khiếu nại, tranh chấp trong thực hiện hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện, khả năng của mỗi bên; phối hợp thực hiện phản biện, góp ý kiến về pháp luật, chính sách; phối hợp tổ chức các hội thảo, tọa đàm, các khóa đào tạo, tập huấn trao đổi kinh nghiệm về đàm phán, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng; xử lý rủi ro, tranh chấp về hợp đồng; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh và những nội dung cần thiết khác theo yêu cầu của các doanh nghiệp…