Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giám sát chặt chẽ các vị trí đê xung yếu trước diễn biến xả lũ

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 21/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp chỉ đạo vận hành liên hồ chứa trên sông Hồng. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cùng dự, phát biểu ý kiến.

Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) đã lệnh Công ty thủy điện Sơn La và Hòa Bình mở các cửa xả đáy. Cụ thể: Hồ Hòa Bình mở 2 cửa xả: 1 cửa lúc 18 giờ ngày 18/7 và mở tiếp 1 cửa lúc 6 giờ ngày 19/7, đồng thời phát điện hết công suất 8/8 tổ máy. Hồ Sơn La mở 1 cửa xả lúc 8 giờ ngày 19/7, phát điện hết công suất 6/6 tổ máy vào ban ngày và phát điện qua các tổ máy tối thiểu 1.700 m3/s vào ban đêm.
Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đi khảo sát thực tế công trình kè bờ hữu sông Đuống (huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Về diễn biến mực nước và lưu lượng các hồ chứa từ ngày 18 - 21/7: Hồ Hòa Bình: Mực nước hồ lúc 18 giờ ngày 18/8 (thời điểm mở cửa xả đầu tiên) là 106,19m, lúc 8h00 ngày 21/7 là 106,32m (mực nước cao hơn trước khi xả) và còn cao hơn mực nước cho phép là 5,32m. Hồ Sơn La: Mực nước hồ lúc 8 giờ ngày 19/7 (thời điểm mở cửa xả) là 201,90m, lúc 8h00 ngày 21/7 là 201,07m (giảm 0,83m) và còn cao hơn mực nước cho phép là 3,77m.

Như vậy, tính đến 8 giờ ngày 21/7 (sau hơn 2 ngày vận hành xả lũ), mực nước hồ Sơn La xuống chậm khoảng 0,42m/1 ngày (tổng dung tích đã xả đáy khoảng 277 triệu m3). Mực nước hồ Hòa Bình còn tăng cao hơn so với trước khi xả do lưu lượng về hồ vẫn lớn hơn tổng lưu lượng xả và phát điện (tổng dung tích đã xả đáy về hạ du khoảng 657 triệu m3; tổng dung tích qua xả đáy và phát điện về phía hạ du hồ Hòa Bình khoảng 1.638 triệu m3). Trước diễn biến mực nước, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT đã có đề xuất mở thêm 1 cửa xả đáy hồ Hòa Bình vào sáng mai.

Cho ý kiến tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh: Trong bối cảnh 2 hồ Hòa Bình và Sơn La xả lũ, lưu lượng dòng chảy trên sông Hồng tăng cao làm gia tăng nguy cơ mất an toàn đê điều. Vì vậy, trong những ngày qua, các lực lượng chức năng TP Hà Nội được yêu cầu tức trực 24/14 giờ nhằm theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, dòng chảy cũng như những nguy cơ về mất an toàn đê điều. Đặc biệt, do trong thời gian dài không được thử thách trong lũ lớn nên hệ thống đê điều của Hà Nội xuất hiện những vị trí mạch đùn, mạch sủi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Tất cả các vị trí này đều đang được TP theo dõi sát sao, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó khi cần thiết. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cũng đề nghị: Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT cần hết sức thận trọng trong quá trình xả lũ. Việc mở các cửa xả hồ chứa cần được tính toán kỹ lưỡng, bao gồm cả những nguy cơ đối với cư dân vùng hạ du.

Trong cuộc họp vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng của Ban chỉ đạo T.Ư về PCTT, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhận định: Trong những ngày tới lượng mưa khu vực Bắc Bộ vẫn chưa giảm, làm gia tăng mực nước các sông, hồ. Nếu không có giải pháp tốt sẽ ảnh hưởng an toàn hồ đập, nguy cơ thiệt hại rất lớn. Cùng với đó, nếu xả lũ không khoa học sẽ ảnh hưởng đến hạ du và các công trình, đặc biệt các công trình thủy điện.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại cuộc họp.
Nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là phải đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện, các công trình đê điều, hồ đập thủy lợi, đảm bảo an toàn hạ du. Đồng thời tích nước đủ để sử dụng trong mùa khô, đủ cấp điện và cả phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Từ những hiện trạng trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đưa ra những chỉ đạo cụ thể cho các Bộ, ngành, trong đó nhấn mạnh, phải chủ động các phương án ứng phó, không chủ quan, đồng thời không đưa ra các dự báo sai lệch lớn gây tâm lý hoang mang cho người dân.

Sau khi kết thúc cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT và lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã đi thị sát, kiểm tra thực tế hiện trạng tuyến đê hữu Đuống (thuộc huyện Gia Lâm). Tại đây, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao công tác PCTT của TP Hà Nội, đồng thời nhấn mạnh, Hà Nội tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống đê điều. Giám sát chặt chẽ các vị trí đê xung yếu để chủ động phương án ứng phó kịp thời, bảo đảm an toàn cho vùng dân cư ven sông, đặc biệt là trung tâm TP trước diễn biến xả lũ.