Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giám sát chặt giao dịch chứng khoán bất thường

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ ngày 8/3, Thông tư 13/2013/TT-BTC chính thức có hiệu lực với nhiều nội dung nghiêm ngặt về giám sát các giao dịch bất thường trên thị trường chứng khoán (TTCK).

Những nhà đầu tư (NĐT) chân chính kỳ vọng hiện tượng làm giá, đội lái, thao túng giá cổ phiếu sẽ được giảm thiểu, tạo ra sự công bằng trong các giao dịch mua, bán.

Muộn còn hơn không

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) sẽ thực hiện việc giám sát giao dịch dựa trên các nguồn tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, tin đồn và các nguồn thông tin khác. Đồng thời, UBCKNN sẽ kiểm tra đột xuất đối với các đối tượng giám sát thông qua việc phát hiện các dấu hiệu giao dịch bất thường theo báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK) và của các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch và cung cấp các dịch vụ chứng khoán. Trên cơ sở đó, cơ quan này sẽ phân tích sâu để phát hiện các giao dịch thao túng thị trường, các giao dịch sử dụng thông tin nội bộ và các hành vi vi phạm quy định pháp luật để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Trong các ngày giao dịch bình thường, SGDCK có trách nhiệm giám sát diễn biến các giao dịch, định kỳ, phân tích, đánh giá và chịu trách nhiệm xác định rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đặc biệt, các Sở có quyền yêu cầu cổ đông nội bộ, lãnh đạo các doanh nghiệp và cả ngân hàng thương mại giải trình những thông tin liên quan để làm rõ thêm các dấu hiệu giao dịch bất thường.

Giám sát chặt giao dịch chứng khoán bất thường - Ảnh 1

Nhà đầu tư giao dịch tại sàn chứng khoán OTC. Ảnh: Phạm Yên

Trên thực tế, nếu như quy định trên được thực hiện từ sớm thì từ năm 2009 - 2010 đến nay, TTCK Việt Nam không rơi vào tình trạng nhà nhà làm giá, người người đua theo đội lái. Có những cổ phiếu nhìn bằng mắt thường, NĐT cũng có thể thấy những dấu hiệu bất thường khi tăng trần liên tục tới cả 20 phiên. Và những hiện tượng cổ phiếu của không ít doanh nghiệp ít tiềm năng và ngành nghề kinh doanh không phải là thế mạnh nhưng vẫn được mệnh danh là CP kim cương như EFI, PVA, SHN, VHG… sẽ được hạn chế.

Trong bản tin của các công ty chứng khoán (CTCK), có một số chỗ từng công khai danh sách các cổ phiếu trong diện nghi vấn làm giá để cảnh báo NĐT. Ngôn từ quen thuộc là "hàng nóng", đội lái này, nhóm lái khác… đã từng làm TTCK Việt Nam méo mó và những NĐT chân chính bị thua thiệt nặng nề, nhất là những người chạy theo đội lái…

Giám sát chặt, xử lý cương quyết

Thị trường cũng râm ran các thông tin về những CTCK tiếp tay cho đội lái cho vay chứng khoán để bán khống, những đặc ân cho khách VIP như sản phẩm T+0, T+1, hay T+2… trong khi bình thường phải là T+4. Chẳng CTCK nào thừa nhận nhưng việc rất nhiều công ty bị xử phạt vi phạm hành chính năm qua như Chứng khoán Đại Nam, SBS, Golden Bridge, HBS… đã ngầm nói lên điều đó.

Khi có sự thay đổi bất thường về giá, khối lượng và phương thức giao dịch của NĐT có thể hiểu được đó là các giao dịch bất thường và cơ quan quản lý có thể vào cuộc. Bởi vậy, Thông tư 13 có thể coi là công cụ pháp lý để các cơ quan quản lý TTCK có cơ sở mạnh tay hơn trong việc giám sát các vi phạm trên thị trường.

Trong năm 2012, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã phát hiện 130 trường hợp tài khoản vi phạm giao dịch mua bán cùng phiên, trong đó 87 trường hợp vi phạm trên thị trường niêm yết, 47 trường hợp khác có dấu hiệu bất thường thuộc 39 mã chứng khoán, 276 trường hợp vi phạm của cổ đông lớn/cổ đông nội bộ/người có liên quan và giao dịch cổ phiếu quỹ. Chưa năm nào UBCK lại xử phạt nhiều như 2012. Theo thống kê, cơ quan này đã ban hành hơn 180 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân với số tiền phạt gần 11 tỷ đồng. Mới đây nhất, văn bản của UBCK yêu cầu các sở giao dịch và Trung tâm lưu ký giám sát các giao dịch bất thường gần đây và đặc biệt trong phiên giao dịch ngày 21/2 khi thị trường xuất hiện tin đồn về lãnh đạo BIDV bị bắt, cho thấy hoạt động này sẽ bị xử lý mạnh tay trong thời gian tới.

“Công tác giám sát năm 2013 sẽ tiếp tục được tập trung nhằm tạo sự công bằng cho thị trường và phần nào lấy lại niềm tin của NĐT”.

Ông Trần Xuân Hà Thứ trưởng Bộ Tài chính