Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giám sát “điểm nóng” khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/3, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã sơ kết chương trình phối hợp về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở năm 2015 và triển khai công việc năm 2016.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, việc MTTQ và các cơ quan, tổ chức giám sát dù góp phần phát hiện nhiều vụ việc tồn đọng, nhưng chỉ có thể đề xuất kiến nghị chứ không có thẩm quyền giải quyết xử lý. Nếu không đeo bám đến cùng, việc giám sát không có tác dụng và kết quả giám sát dễ bị chìm đi. Trong năm 2016, những vụ việc đã giám sát và có kiến nghị giám sát cần tiếp tục đeo bám theo dõi kết quả xử lý.
Giám sát “điểm nóng” khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng - Ảnh 1
Trong phương hướng triển khai chương trình phối hợp công tác năm 2016, các cơ quan tham gia chương trình sẽ tập trung phối hợp tuyên truyền, phổ biến trong Nhân dân về pháp luật khiếu nại, tố cáo nhằm giúp người dân hiểu và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình khi thực hiện việc khiếu nại, tố cáo… Các bên tham gia chương trình phối hợp lựa chọn một số vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, vượt cấp, đông người, phức tạp, “điểm nóng”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, vi phạm quyền, lợi ích chính đáng của công dân để xem xét, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về hướng xử lý, giải quyết...

Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan, tổ chức tham gia chương trình phối hợp giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở, qua đó giúp MTTQ Việt Nam thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội. Đối với nội dung giám sát một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài trong năm 2016, ở T.Ư 5 cơ quan tham gia chương trình giám sát cần tiếp tục bàn thảo lựa chọn từ 1 - 2 vụ việc có ý nghĩa trong cả nước để tiến hành giám sát.