Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giám sát, phản biện xã hội bảo đảm hiệu quả

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 29/9, Ban thường trực MTTQ TP Hà Nội đã triển khai hội nghị hướng dẫn làm điểm tham gia giám sát, phản biện xã hội và góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền cho MTTQ và các đoàn thể, chính trị xã hội cho cán bộ chủ chốt MTTQ, đoàn thể chính trị trên địa bàn.

Theo kế hoạch, có ba đơn vị được chọn thí điểm là MTTQ các huyện Đông Anh, Thạch Thất và MTTQ quận Hai Bà Trưng.

Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội Đào Văn Bình nhấn mạnh, việc triển khai phải bảo đảm thống nhất về nhận thức và tổ chức thực hiện đúng, các quy chế, quy định của TƯ, nhằm nâng cao vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong việc giám sát, phản biện và tham gia góp ý xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước; các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của TP cũng như của địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. 
Giám sát, phản biện xã hội bảo đảm hiệu quả - Ảnh 1

Quang cảnh hội nghị.
Quá trình triển khai, theo hướng chọn các lĩnh vực vấn đề vừa có ý nghĩa xã hội cao, phù hợp với năng lực của hệ thống MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên, vừa làm vừa rút kinh nghiệm bảo đảm hiệu quả, thiết thực.

Theo kế hoạch, đối tượng giám sát bao gồm hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên; hoạt động của HĐND, UBND các cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc; hoạt động của Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra và các cơ quan tiến hành tố tụng khác của TP và quận, huyện, thị xã; hoạt động của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp. Nội dung giám sát, việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của Thành ủy Hà Nội; chính sách, pháp luật nhà nước trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thuộc lĩnh vực phụ trách của các đơn vị, tổ chức cá nhân (nêu trên) theo quy định của Đảng, nhà nước.

Đối tượng phản biện các văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, các quy định, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội của Nhà nước khi được yêu cầu phản biện, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Hàng năm, đầu quý IV, UB MTTQ TP và các cấp phải xây dựng chương trình, kế hoạch việc triển khai các nội dung trên, gửi văn bản đề nghị các cơ quan, tổ chức cùng cấp thông báo các văn bản cần phản biện của năm sau. Căn cứ vào yêu cầu phản biện của các cơ quan, tổ chức gửi đến, UB MTTQ các cấp xây dựng kế hoạch, chương trình phản biện xã hội của năm sau.

Quy trình tổ chức phản biện, cấp MTTQ TP, nội dung, hình thức và quy trình tổ chức phản biện thực hiện theo Quy chế phối hợp giữa HĐND, UBND và UB MTTQ TP. Cấp quận, huyện, thị xã thực hiện cùng cấp (giống như cấp TP). Cấp xã, phường, thị trấn chủ động xây dựng quy chế phối hợp để tổ chức triển khai thực hiện phản biện.

Về góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ TP và các cấp được tiến hành triển khai thực hiện theo Quyết định số 218/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) và kế hoạch hàng năm do Ban Thường trực UB MTTQ các cấp ban hành.