Hiệu quả cao
Vụ xuân năm nay, gia đình ông Nguyễn Viết Cường, thôn Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai thí điểm cấy 6 sào ruộng bằng công nghệ mạ khay, máy cấy. Đến nay, lúa đẻ nhánh tốt, cây sinh trưởng mạnh hơn so với diện tích cấy tay. Ông Cường cho biết: "Lúc mới cấy xong, tôi rất lo vì lúa thưa thớt, nhưng nay thì hiệu quả rõ rệt hơn hẳn. Hy vọng vụ này, lúa sẽ được mùa".
Toàn xã Tân Ước có 613ha đất nông nghiệp. Vụ xuân 2013, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai thí điểm ứng dụng làm mạ khay, cấy máy diện tích 13ha với giống lúa hàng hóa TBR 45. Triển khai mô hình, xã Tân Ước được hỗ trợ mua một máy cấy và 1.500 khay mạ.
Ứng dụng công nghệ gieo mạ bằng khay tại Tân Hưng, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Bắc Nam
Ông Nguyễn Đắc Sơn, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tân Ước cho biết, đến nay sau hơn 40 ngày cấy, cây lúa phát triển tốt, tỷ lệ đẻ nhánh cao, sâu bệnh ít. Hơn nữa, lượng thóc giống chỉ cần khoảng 700g/sào, giảm được 2/3 so với cấy tay. Xã phấn đấu, thời gian tới mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy lên 30%.
Ngoài xã Tân Ước, vụ xuân 2013, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội còn triển khai thí điểm phương pháp mạ khay, cấy máy tại xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ với diện tích 15ha.
Theo thống kê, diện tích lúa cấy bằng máy toàn TP, vụ xuân 2013 đạt 1.500ha, trong đó riêng huyện Phú Xuyên chiếm trên 1.000ha. Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, phương pháp mạ khay, cấy máy với dòng máy Kubota 1,5 mã lực, cấy lúa 4 hàng có hiệu suất cấy đạt 0,8 - 1ha/ngày (8 tiếng), tương đương với 25 - 30 nhân công. Do cấy nông, thưa nên lúa đẻ nhánh sớm, khỏe, hạn chế sâu bệnh, năng suất tăng khoảng 10% và lợi nhuận cao hơn gần 7 triệu đồng/ha so với lúa cấy truyền thống.
Cơ sở để hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa
Hiện nay cơ giới hóa trong sản xuất lúa của Hà Nội mới tập trung chủ yếu ở khâu làm đất (đạt 70% diện tích), còn khâu gieo cấy và thu hoạch vẫn mang tính thủ công. Tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ mới đạt 7% diện tích, khâu thu hoạch là 7,8%, hiệu quả sản xuất không cao.
Chính vì vậy, việc áp dụng phương pháp mạ khay, máy cấy góp phần thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ và thúc đẩy việc dồn điền đổi thửa để hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung.
Mặc dù vậy, theo phản ánh của một số địa phương, để mở rộng mô hình vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tại nhiều nơi ruộng đất còn manh mún, khó áp dụng cơ giới hóa, một số nông dân vẫn chưa thực sự tin tưởng vào tiến bộ kỹ thuật mới.
Trong khi đó, vai trò dịch vụ của các HTX nông nghiệp chưa được phát huy. Đặc biệt, khâu làm mạ vẫn chưa chủ động được giá thể, chưa tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật, mạ gieo không đều nên khi cấy số dảnh không đều, tốn công tỉa, dặm…
Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, thời gian tới, các địa phương cần tích cực quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung và hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa.
Cùng với đó, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng để tạo thuận lợi cho ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác vận động nông dân tham gia vào các nhóm hộ dịch vụ sản xuất cơ giới hóa nông nghiệp và tăng cường mối liên kết "4 nhà" để nâng cao năng lực sản xuất, hiệu quả kinh tế.
"Áp dụng công nghệ mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa là rất cần thiết để đẩy nhanh quá trình CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân theo Chương trình 02/CTr của Thành ủy".
Ông Nguyễn Văn ChíGiám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội
|