Tuy nhiên, sự thuận tiện này vẫn không thể bù đắp được những thiệt hại mà người sở hữu vàng phi SJC phải gánh chịu từ những rủi ro chính sách.
"Thiệt" hàng triệu đồng
Ngày 18/3, do nhu cầu cá nhân, chị Nguyễn Hoàng Anh (Đống Đa - Hà Nội) quyết định mang bán 10 lượng vàng Bảo Tín Minh Châu. Trái ngược với nỗi lo trước đó, chị Hoàng Anh đã bán được rất dễ dàng tại một cửa hàng vàng được cấp phép gần nhà. Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc Thông tư 06 ra đời là điều đáng hoan nghênh, chứng tỏ NHNN đã lắng nghe những thiệt thòi của người sở hữu vàng phi SJC và cố gắng hóa giải rủi ro cho các thương hiệu vàng.
Khách hàng giao dịch vàng miếng tại chi nhánh Sacombank.Ảnh: Trần Việt
Theo TS Nguyễn Minh Phong, trước đây, vàng phi SJC bị ''hắt hủi", gây sức ép lên vàng SJC. Nay, NHNN muốn đảm bảo quyền lợi người dân và tạo cơ hội bình đẳng cho các loại vàng cùng hàm lượng, tránh được rủi ro chính sách và những cú sốc cho người dân (như đã diễn ra thời gian qua) nên đang cố hóa giải rủi ro thị trường. Tuy nhiên, câu chuyện bỗng dưng mất cả triệu đồng vì những rủi ro chính sách vẫn khiến nhiều người bức xúc.
Chị Hoàng Anh dù đã dễ dàng bán được 10 lượng vàng cũng không khỏi băn khoăn trước việc có thời điểm các doanh nghiệp kinh doanh vàng phải bỏ tiền nhờ SJC gia công để dễ tiêu thụ. Cùng là vàng 9999, cùng trọng lượng và chất lượng nhưng chỉ cần mất 30.000 - 40.000 đồng/lượng tiền gia công thì vàng phi SJC đã "biến" thành SJC, có giá bán cao hơn trước khi được "mông má" tới 2 - 3 triệu đồng.
Ngay trong ngày 18/3, vàng Bảo Tín Minh Châu được giao dịch ở mức 42,36 - 42,61 triệu đồng/lượng, còn vàng SJC được niêm yết với mức giá 44,06 - 44,12 triệu đồng/lượng.
Ai bù trừ tổn thất cho người sở hữu vàng?
Việc NHNN nói "có thể" giao dịch vàng phi SJC trong những trường hợp cần thiết chứng tỏ cơ quan này đã lắng nghe, tiếp thu những ý kiến của người sở hữu vàng thời gian qua. Tuy nhiên, người dân vẫn hy vọng các cơ quan chức năng phải theo sát diễn biến của thị trường hơn để đưa ra những chính sách hợp lý, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại của những người sở hữu vàng phi SJC.
Liên quan đến Thông tư 06, hiện đã có những ý kiến trái chiều về các quy định trong văn bản này. TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có thể nhìn nhận động thái nói trên của NHNN theo 2 hướng tích cực và tiêu cực. Điểm tích cực là thị trường sẽ có thêm nhiều nguồn cung hơn giúp cân bằng cung - cầu. Ngược lại, điểm tiêu cực là sự thay đổi của chính sách quản lý thị trường vàng thời gian qua đã khiến dư luận bức xúc và đặt câu hỏi ai sẽ là người bù trừ cho tổn thất của họ khi nắm giữ vàng phi SJC trước đây?
Ở một khía cạnh khác, nhiều ý kiến cho rằng, các chính sách đưa ra để điều chỉnh thị trường vàng thời gian qua khá chắp vá. Nếu như cơ quan quản lý xác định ngay từ đầu là đa đạng hóa nguồn cung, thì sẽ không cần phải tốn ngoại tệ để thực hiện tái xuất tạm nhập vàng; sẽ không có tình trạng dân đổ xô đi đổi vỏ vàng...
Với Thông tư 06, hy vọng chính sách điều hành của NHNN về thị trường vàng sẽ ổn định hơn, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân từ những thay đổi của chính sách.
Ngày 18/3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ký Quyết định số 563/QĐ-NHNN ban hành Quy trình mua, bán vàng miếng của NHNN với các nội dung cụ thể về hình thức mua - bán trực tiếp, đấu thầu giữa NHNN với các tổ chức tín dụng. Theo đó, đối với mua, bán vàng miếng qua hình thức đấu thầu, quy trình phải trải qua 10 bước. Đối với mua bán vàng miếng theo hình thức trực tiếp cũng phải tuân theo 7 bước. |