Lực lượng Dân phòng quận Đống Đa tập luyện phòng cháy chữa cháy. Ảnh: Công Hùng
|
Thống kê cho thấy, năm 2015, tình hình cháy, nổ ở Hà Nội xảy ra nhiều tại nhà dân. Theo ông tới đây công tác tuyên truyền nên theo hướng nào để mọi người nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình?
- Xã hội càng phát triển, cháy nổ càng tiềm ẩn những nguy hiểm. Năm 2015, trên địa bàn Thủ đô xảy ra 159 vụ cháy và 2 vụ nổ làm 9 người chết, 28 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính trên 40 tỷ đồng. Tuy số vụ cháy không tăng so với năm 2014, nhưng tính chất các vụ đều phức tạp hơn. Chính vì vậy, nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy Thủ đô cùng với các cấp, ngành và đặc biệt là UBND 30 quận, huyện, thị xã thực hiện các biện pháp tuyên truyền về Luật Phòng cháy, chữa cháy; cũng như tăng cường kiểm tra, đôn đốc các cấp ngành thực hiện nghiêm công tác này. Để việc tuyên truyền thực sự hiệu quả, chúng tôi phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng viết bài ngắn gọn phát trên loa truyền thanh phường, xã để mọi người dễ hiểu, dễ thấy, dễ nghe, dễ thực hiện. Hy vọng từ đó, họ thấy được trách nhiệm của mình.
Theo ông làm thế nào để hạn chế xảy ra cháy ở khu vực ngõ nhỏ?
- 3 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn TP xảy ra 76 vụ cháy. Việc này không ai mong muốn mặc dù chúng ta đã tuyên truyền rất nhiều và thực hiện không ít các biện pháp. Song các vụ cháy xảy ra đều do ý thức của con người. Tức là sự bất cẩn dẫn đến cháy hoặc nguyên nhân do điện chiếm tỷ lệ rất cao, mặc dù ngành điện cùng với cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã có quy chế phối hợp thực hiện. Nhưng cháy do diện xảy ra trong quá trình sử dụng của dân. Vì thế chúng ta tuyên truyền cho mọi người thấy được trách nhiệm của mình để phòng ngừa, ví dụ đi ra khỏi nhà, dời khỏi cơ quan phải tắt hết các thiết bị sử dụng điện.
Trong công tác chữa cháy, hiện TP có nhiều ngõ nhỏ, phố nhỏ nên xe chữa cháy không vào được. Vì thế, việc nâng cao trách nhiệm cho lực lượng phòng cháy cơ sở và dân phòng là rất cần thiết. Nhiều năm qua, chúng tôi tổ chức huấn luyện cho 2 lực lượng này làm tốt nhiệm vụ và từng bước đảm đương được 4 "tại chỗ" (lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy). Chúng tôi rất mong tiếp tục có sự phối hợp với họ để hạn chế cháy, khi xảy ra thì phát hiện sớm và dập tắt ngay để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Vậy việc trang bị thiết bị phòng cháy có đáp ứng được tình hình thực tế, thưa ông?
- Nhiều năm qua, lực lượng phòng cháy Thủ đô được UBND TP Hà Nội, Bộ Công an trang bị các thiết bị chữa cháy, cứu hộ cứu nạn để đảm đương công việc. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế trên địa bàn, còn có những điều chưa đáp ứng được. Ví dụ, hiện nay Hà Nội có nhiều nhà cao tầng nhất toàn quốc. Trong quá trình xây dựng, các nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm và đảm bảo các quy chuẩn mà Bộ Xây dựng đề ra. Nếu chẳng may có cháy đối với nhà cao tầng, chúng ta vận hành các thiết bị trong tòa nhà đó để cứu người và chữa cháy.
Xin cảm ơn ông!