Có hàng trăm nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT. Ngoài các tình huống bất khả kháng, nguyên nhân lớn nhất vẫn là ý thức của người tham gia giao thông. Những nỗi đau... Chỉ tính trong 10 tháng qua, cả nước đã xảy ra trên 18.650 vụ TNGT, làm chết 7.264 người, bị thương 16.934 người. Các vụ tai nạn chủ yếu là xảy ra trên đường bộ với hơn 18.220 vụ, làm chết gần 7.020 người, bị thương gần 16.720 người. Điều đáng nói, có đến 80% vụ TNGT xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông. Hàng ngàn vụ vi phạm giao thông với các lỗi thường gặp như không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, vuợt đèn đỏ, chạy xe quá tốc độ, lưu thông trên đường khi trong người có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép. Theo thông tin từ Khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Bạch Mai, ngày nào Khoa cũng phải tiếp nhận bệnh nhân do TNGT. Có ngày cao điểm, nhất là vào cuối tuần hoặc nghỉ lễ, số ca TNGT lên đến 5 ca nhập viện mà đa phần là bị thương nặng.
Điều này chứng tỏ ý thức người tham gia giao thông còn quá kém. Chỉ cần chịu khó quan sát thái độ và cách ứng xử của nhiều người lái xe trên đường, có thể lý giải vì sao TNGT vẫn cứ xảy ra. Dù trong luật quy định chỉ cho phép người đều khiển xe mô tô, gắn máy lưu thông trên đường với tốc độ tối đa 40km/giờ, nhưng nhiều người vi phạm đều lưu thông từ 50 km/giờ trở lên. Bất chấp từ một ngõ ngách nào đó, cứ ra đến đường lớn là phải lao bằng được ra làn đường ở chính giữa như thể sợ thiệt thòi, bất kể trước mặt là ai, cũng như không thèm để ý đến những người khác đang tái mặt, nhấn ga dúi dụi vì sự ích kỷ và kém hiểu biết ấy. Không chỉ có vậy, một bộ phận người tham gia giao thông, kể cả công chức không đội mũ bảo hiểm. “Nhanh một phút, chậm cả đời” - câu nói ấy đã vô cùng thấm thía với những người đã từng là nạn nhân của TNGT, với những gia đình khi người con mất cha, người vợ mất chồng, cha mẹ mất đi đứa con thân yêu của mình vì TNGT. Rất nhiều gia đình tan nát, hàng trăm người đau xé lòng vì những người thân yêu ra khỏi nhà và không bao giờ trở về. Làm gì để thức tỉnh ý thức Theo các chuyên gia, TNGT xuất phát từ 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, do ý thức của người tham gia giao thông kém. Thứ hai, kết cấu hạ tầng giao thông chưa đảm bảo. Như vậy, để giảm thiểu TNGT thì mọi giải pháp đều phải xuất phát từ việc giải quyết hai vấn đề này. Việc nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân cần xác định là một quá trình lâu dài. Trong đó, biện pháp được xem là giáo dục hữu hiệu nhất xuất phát từ công tác tuyên truyền, xây dựng nền tảng văn hóa giao thông. Thực tế, nếu không nắm được các nội dung của luật giao thông, người tham gia giao thông sẽ không hiểu, từ đó sẽ dẫn đến vi phạm như đi ngược chiều, không chấp hành hệ thống biển báo giao thông,… tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Khi lưu thông trên đường, bên cạnh nắm rõ và hiểu các nội dung của Luật Giao thông đường bộ thì khi tham gia giao thông, mỗi cá nhân hãy thể hiện là những người có văn hóa. Văn hóa tham gia giao thông bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất mà bất cứ ai cũng có thể làm như nhường đường cho người đi bộ, người khuyết tật, người già, chấp hành đèn tín hiệu giao thông, đội mũ bảo hiểm khi đi đường…, qua đó không những phòng ngừa TNGT cho bản thân, mà còn thể hiện nét đẹp trong văn hóa của người dân Thủ đô thanh lịch, ngàn năm văn hiến trước mắt du khách trong nước và bạn bè quốc tế. Hiện nay, có một thực tế là trong suy nghĩ của đa số của người tham gia giao thông, biện pháp phòng ngừa TNGT là nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông chứ không phải của bản thân. Chứng tỏ công tác tuyên truyền luật chưa thực sự đi sâu vào mọi tầng lớp Nhân dân. Do vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ một cách sâu rộng phải được coi là trọng tâm. Muốn công tác tuyên truyền luật giao thông có hiệu quả phải huy động tất cả các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương cùng tham gia. Biện pháp tuyên truyền thể hiện dưới nhiều hình thức, nội dung như tuyên truyền trên truyền hình, đài truyền thanh, báo chí, tọa đàm, tuyên truyền bằng hình ảnh tại các khu vực công cộng. Đối với các em học sinh, các bậc phụ huynh hãy là những người tuyên truyền viên cho con em của mình, vì chính gia đình là nơi gần gũi, là nơi con người giành những điều tốt đẹp nhất cho nhau. Có thể trong bữa ăn hàng ngày, gia đình nhắc nhở con em những thói quen tham gia giao thông hàng ngày như đi bên phải theo chiều đi của mình, không đi xe đạp dàn hàng ngang và đùa nghịch dưới lòng đường… điều này vừa thể hiện tình cảm, sự quan tâm của các bậc phụ huynh, lại không khô khan như những điều thể hiện trong Luật, từ đó đi sâu vào nhận thức của các em, góp phần phòng ngừa TNGT. Đối với nhà trường nên đưa giáo dục pháp luật giao thông thành một môn học, qua đó giúp học sinh trang bị những kiến thức cơ bản về các quy định của luật giao thông, công tác phòng ngừa TNGT trong học đường. Về phía các cơ quan báo, đài cần tăng cường xây dựng các chuyên mục tuyên truyền các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT, phản ánh những nguy cơ tiềm ẩn TNGT để quần chúng Nhân dân phòng tránh, nêu gương những điển hình tiên tiến trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, thông tin về những vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn. Đối với các ban ngành, đoàn thể thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành tuyên truyền cho cán bộ, Đảng viên trong đơn vị mình về các quy định của luật giao thông, coi việc chấp hành các quy định là tiêu chí để bình xét thi đua. Một khi đã gọi đúng tên, định đúng mức, ý thức được nâng cao trong cuộc đấu tranh với “vấn nạn” TNGT thì những vụ việc đau lòng, những cái chết oan uổng được “báo trước” bởi chính những hành vi trái pháp luật khi tham gia giao thông của những người thiếu ý thức sẽ giảm thiểu.
TNGT tăng cao do sự thiếu hiểu biết của một số người dân khi tham gia giao thông. Ảnh: Đào Tú |