Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm thiểu TNGT khu vực ngoại thành: Không nghiêm khó hoàn thành mục tiêu

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Trong những năm qua, dưới sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, TNGT tại Hà Nội đã liên tiếp giảm trên cả 3 tiêu chí.

Tuy nhiên, ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào, công tác đảm bảo trật tự ATGT trên các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô, tại các huyện ngoại thành luôn là một vấn đề “nóng”.
Áp lực tâm lý làng xã
Ở bất cứ đâu, đặc biệt là tại các TP lớn nói chung và Hà Nội nói riêng, số điểm ùn tắc và số vụ TNGT là thước đo, là tiêu chí chính xác nhất để đánh giá hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về trật tự ATGT. Tại Hà Nội, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, “bức tranh” giao thông đã xuất hiện thêm nhiều gam màu sáng, đặc biệt là TNGT. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc giảm thiểu tình trạng mất ATGT trên địa bàn Thủ đô nói chung và các huyện ngoại thành nói riêng là điều hết sức khó khăn. Nói như vậy là bởi, dù các lực lượng chức năng có tuyên truyền, xử phạt mạnh đến đâu mà người dân không tự giác chấp hành các quy định của pháp luật thì tất cả cũng chỉ như “muối bỏ bể”.
 Lực lượng CSGT dừng kiểm tra một trường hợp vi phạm luật giao thông trên QL32 đoạn qua địa bàn huyện Đan Phượng. Ảnh: Công Trình

Có dịp cùng tổ công tác của Đội CSGT số 9, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội làm nhiệm vụ trên tuyến QL32 vào đầu tháng 9 vừa qua mới nhận thấy việc chấp hành luật của người dân khu vực ngoại thành còn nhiều hạn chế. Hầu hết người dân đã có ý thức đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông nhưng vẫn có một số trường hợp cố tình vi phạm. Đơn cử như trường hợp của Đỗ Thế Anh (Tông Sơn, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng) điều khiển xe mô tô BKS 29X3 – 163.36 không đội MBH. Ngay sau khi nhận thấy sự xuất hiện của lực lượng CSGT, Thế Anh lập tức quay đầu xe, đi ngược chiều và bỏ chạy vào quán nước ven đường. Và khi lực lượng chức năng thông báo lỗi và yêu cầu xuất trình giấy tờ thì Thế Anh giở bài cùn: “Tôi có tham gia giao thông đâu, ngồi uống nước chè cũng bị xử lý không đội MBH là sao?”. Điều đáng nói, không chỉ người vi phạm không chấp hành, tại thời điểm kiểm tra, một số người dân xung quanh cũng hùa theo lý do này. Tuy nhiên, sau một hồi tuyên truyền vận động, cũng như cung cấp các bằng chứng chứng minh hành vi vi phạm, Thế Anh mới chịu thừa nhận vi phạm.
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một số Đội CSGT các huyện cho biết, bên cạnh những người dân đã có ý thức chấp hành các quy định về đảm bảo trật tự ATGT thì vẫn có những trường hợp cố tình vi phạm, bỏ chạy khi gặp sự kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng. Thậm chí, một số trường hợp do nhận thức về pháp luật còn hạn chế nên khi bị kiểm tra, xử lý đã gọi người nhà kéo ra chốt, gây sức ép đối với các lực lượng chức năng nhằm bỏ qua vi phạm.
Phải xử lý nghiêm
Theo số liệu thống kê của Phòng CSGT, sau một tháng triển khai xử lý vi phạm luật giao thông theo Nghị định 46, số TNGT trên địa bàn TP đã giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ. Lãnh đạo Phòng CSGT cũng như các đơn vị phụ trách địa bàn đánh giá, mức phạt nặng của Nghị định 46 đã khiến người tham gia giao thông biết sợ và có ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định của pháp luật.
Thiếu tá Trương Song Thành – Đội trưởng Đội CSGT số 9, Phòng CSGT cho biết, sau hơn một tháng triển khai Nghị định 46, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn các huyện Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì, Sơn Tây đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, từ ngày 1/8 đến nay, trên địa bàn chỉ xảy ra 1 vụ TNGT làm chết 1 người. So với cùng kỳ năm ngoái giảm 2 vụ, giảm 2 người chết, giảm 3 người bị thương. Cũng theo Thiếu tá Thành, để đạt được kết quả trên, nếu chỉ trông chờ vào sự tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng là chưa đủ: “TNGT có thể xảy ra bất cứ lúc nào, lực lượng CSGT cũng không thể lúc nào cũng đủ quân số, đủ sức căng mình trên mọi tuyến đường để nhắc nhở, xử lý những trường hợp cố tình vi phạm. Do đó, nếu người dân không có ý thức tự bảo vệ mình thì mọi sự cố gắng của các lực lượng chức năng sẽ không đem lại hiệu quả lâu dài”.
Như đã nói, thước đo, tiêu chí để đánh giá hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về đảm bảo trật tự ATGT chính là số vụ tai nạn và các điểm UTGT. Tuy nhiên, ranh giới giữa đạt và chưa đạt đôi lúc chỉ cách nhau một vài giây và người ta chỉ biết khi việc đã rồi. Do đó, ngoài tăng cường tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen, nhận thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng trong việc kiểm soát, xử lý vi phạm. Bởi, khi ý thức chưa được thay đổi thì phạt nặng sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất nhằm thay đổi thói quen xấu của người dân.