Tuy nhiên, để triển khai chương trình mới thực sự hiệu quả, theo cô Trần Thị Tâm - giáo viên trường THCS Tân Minh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), trước hết cần nghiên cứu cẩn thận xem thay đổi chương trình mới gần với giáo dục nước nào nhất, từ đó học hỏi kinh nghiệm của họ. Đồng thời xem, với sự thay đổi ấy có bao nhiêu HS lựa chọn như mong muốn, và thay đổi đồng bộ trong cả giáo dục đại học, nghề nghiệp.
Theo cô giáo Trần Thị Tâm: “Mỗi HS có năng khiếu, khả năng ở từng lĩnh vực khác nhau, vì vậy chủ trương để các em tự lựa chọn môn học theo sở trường là tạo điều kiện để các em đến gần hơn với ước mơ, nghề nghiệp phù hợp trong tương lai. Rõ ràng, việc để HS tự chọn môn học là tốt, suy từ bản thân ra, nếu được học những môn mình thích sẽ thấy hứng thú và say mê. Tuy nhiên, để dạy – học hiệu quả, đặc biệt là việc tổ chức dạy phân hóa ở các môn học tự chọn, các chủ đề tự chọn, trước hết ở mỗi nhà trường cần lựa chọn giáo viên có năng lực phù hợp để phân công dạy từng phân môn hoặc chuyên đề cụ thể. Bên cạnh đó, tập hợp đăng ký nguyện vọng của HS, xem xét khả năng đáp ứng (về người dạy, phòng học) của nhà trường, hiệu trưởng có thể sử dụng phần mềm quản lý dạy học tự chọn (do Bộ GD&ĐT hướng dẫn) để xếp HS cùng nguyện vọng thành từng lớp và phân công người dạy.
Ngoài ra, đội ngũ giáo viên phải được tăng cường bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Phần lớn giáo viên hiện nay đang dạy học theo phương pháp chủ yếu truyền thụ kiến thức lý thuyết một chiều cho HS, dẫn đến hoạt động của HS là ghi nhớ kiến thức rời rạc, có sẵn, không được vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề trong học tập và cuộc sống. Bên cạnh đó, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích hợp, phân hóa, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho HS… Để làm tốt và vượt qua những thách thức này, ngay từ bây giờ và trong suốt quá trình triển khai chương trình mới, các trường cần tích cực tổ chức các hoạt động bồi dưỡng giáo viên về các năng lực, kỹ năng cần thiết. Chú trọng đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức sinh hoạt tổ, nhóm. Công tác quản lý cần giao quyền chủ động, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, động viên kịp thời các sáng kiến; giảm thiểu các hoạt động hành chính, hình thức để giáo viên có nhiều điều kiện tập trung vào nhiệm vụ đổi mới hoạt động chuyên môn nghiệp vụ”.