Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm thuế để nuôi dưỡng nguồn thu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) một lần nữa được đưa ra sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội trong Kỳ họp tháng 5 tới. Việc sửa đổi lần này đặt ra nhiều vấn đề mới, quan trọng như: Thuế suất, các khoản thu nhập chịu thuế và không phải chịu thuế, ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng...

Giảm thuế để nuôi dưỡng nguồn thu - Ảnh 1
Theo TS Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam, ban soạn thảo cần tính toán, cân nhắc thận trọng để quyết định một mức thuế suất hợp lý trong thời điểm hiện nay, vừa bảo đảm khả năng cân đối ngân sách, vừa hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
 
Một giải pháp để tăng thu 

Quan điểm của ông thế nào trước ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nên giảm thuế TNDN còn 20% thay vì 23% như Tờ trình của Chính phủ? 

- Thuế suất thuế TNDN hiện hành là 25% của thu nhập chịu thuế. Việc giảm 2% thuế suất xuống 23% theo tôi chưa thực sự tác động đến DN trong bối cảnh hiện nay. Ví dụ, với 1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, nếu mức thuế suất thuế TNDN là 25% thì phải đóng thuế 250 triệu đồng, còn với mức 23% thì phải đóng 230 triệu đồng. Như vậy, mức chênh lệch chưa lớn lắm. Nếu thuế suất vẫn ở mức cao sẽ nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực trong quá trình đóng thuế, gây thất thu cho Nhà nước. Với những DN làm ăn đàng hoàng sẽ bị giảm sức cạnh tranh.

Do vậy, mức thuế suất giảm từ 25% xuống còn 20% sẽ phù hợp hơn. Khi đó, các DN sẽ tận dụng khoản thuế TNDN để tái đầu tư sản xuất, hạn chế tình trạng kinh doanh bất hợp pháp.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, cứ giảm 1% mức thuế suất TNDN, ngân sách giảm khoảng 6.000 tỷ đồng. Nếu giảm mức thuế suất phổ thông về 20% từ 1/1/2014 theo lộ trình thì ngân sách sẽ ảnh hưởng đáng kể?

- Việc giảm thuế TNDN phổ thông và với một số loại thu nhập khác sẽ không tránh khỏi giảm thu ngân sách. Nhưng đây cũng không phải là lần đầu tiên thuế TNDN được giảm. Thực tế, từ năm 2009 đến nay, loại thuế này đã được giảm từ mức 33% xuống mức 28% và 25%. Theo số liệu trong năm 2009, thu ngân sách từ thuế TNDN đạt 52.191 tỷ đồng, chiếm 19,3% tổng thu và bằng 3,15% GDP. Năm 2012 đạt khoảng 107.000 tỷ đồng, chiếm 23,1% trong tổng thu, bằng 4,23% GDP. Như vậy, tuy có giảm thuế TNDN nhưng thu ngân sách vẫn giữ được nhịp tăng trưởng.

Việc giảm thuế TNDN sẽ khiến thu ngân sách giảm trong năm đầu, song sẽ bảo đảm ổn định và tăng trưởng nguồn thu trong trung và dài hạn. Việc giảm mức động viên sẽ tạo điều kiện để DN có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy tái đầu tư. Khi DN phát triển sẽ tạo ra nhiều hàng hóa, của cải vật chất cho xã hội, tạo thêm nhiều lợi nhuận và thuế nộp cho ngân sách cũng sẽ tăng thêm. Đó là chưa kể đến tác động thu hút các nhà đầu tư nước ngoài từ mức thuế cạnh tranh với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, song song với đó cũng cần thực hiện đồng bộ các biện pháp chống thất thu thuế.

Ông nghĩ sao về thời điểm áp dụng 1/1/2014?

- Việc giảm thuế suất DN tại thời điểm này là rất sáng suốt, nhưng nếu đến 1/1 năm sau mới triển khai thì quá chậm, nên tôi đề nghị khi chủ trương đã có, nếu tháng 5, Quốc hội đã thông qua thì các cơ quan chức năng cố gắng chuẩn bị triển khai một cách tích cực để Luật có thể đi vào thực tế từ quý IV năm 2013 này. 

Cần tạo ra môi trường công bằng, bình đẳng 

Quy định về mức khống chế chi phí quảng cáo tiếp thị tăng lên 15% từ 10% tổng số chi phí được khấu trừ. Tiền lãi vay tương ứng với khoản vay gấp 4 lần vốn chủ sở hữu (đối với ngân hàng, tổ chức tín dụng là 10 lần vốn chủ sở hữu) không được đưa vào chi phí hợp lệ tính thuế TNDN. Ông đánh giá những điểm này thế nào?

- Thực tế chi cho các hoạt động khuyến mại, quảng cáo để xây dựng thương hiệu của DN luôn ở mức rất cao. Quảng cáo là một công cụ trong kinh doanh thị trường, mức độ phụ thuộc vào từng mặt hàng, có cái phải lên 20 - 30%, có cái chỉ cần 6%, 8%... Chiến lược, quy mô, ngành nghề khác nhau, nhu cầu quảng cáo, khuyến mại, quảng bá thương hiệu của DN cũng khác nhau nên trước hết chúng ta phải có tiêu chí, thứ hai là phân loại DN,  thứ 3 là có lộ trình. Cụ thể, một số khoản chi như chi quảng cáo, khuyến mại, khánh tiết, lễ tân… cần được rà soát lại, loại bỏ ra khỏi chi phí khống chế nhằm tạo thuận lợi cho DN. Hoặc cũng có ý kiến kiến nghị tỷ lệ chi phí quảng cáo là 15% trên tổng doanh thu của DN chứ không nên quy định là 15% tổng chi phí hợp lý được trừ.

Còn với quy định về khống chế chi phí lãi vay cũng là nhằm ngăn ngừa tình trạng "tránh thuế" đối với DN hoạt động chủ yếu dựa vào vốn đi vay, trong khi tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng vốn rất ít.

Một trong những vấn đề gây tranh cãi trong quá trình soạn thảo là ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư. Dự thảo Luật hiện nay đang đề xuất ưu đãi thuế suất 20% trong 10 năm đối với thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; miễn thuế không quá 2 năm, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 4 năm tiếp theo… Ý kiến của ông về những ưu đãi này như thế nào?

 - Theo quy định, những DN thuộc loại này phải có thu nhập mang lại từ các dự án mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ sản xuất. Thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm dự án hoàn thành đầu tư đưa vào sản xuất, kinh doanh. 

Về việc có nên đưa chính sách ưu đãi đầu tư vào Luật Thuế này hay không cũng là vấn đề có nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng, chính sách thuế cần bảo đảm tính trung lập, không nên gắn với chính sách đầu tư. Chính sách thuế cần ổn định, lâu dài, còn chính sách đầu tư thường xuyên thay đổi, phụ thuộc vào chủ trương điều hành nền kinh tế của Chính phủ. Vì vậy, không nên quy định ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư trong Luật này. 

Thực tế, chính sách thuế TNDN của Việt Nam trong 10 năm qua có nhiều thay đổi. Luật Thuế TNDN năm 2003 thì cho phép ưu đãi đối với đầu tư mở rộng, đến Luật năm 2008 lại bỏ quy định này và lần sửa đổi này, Chính phủ lại đề nghị áp dụng lại quy định của Luật năm 2003. Điều đó chứng tỏ quan điểm về chính sách thuế TNDN chưa nhất quán, đang gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc lập kế hoạch đầu tư tại Việt Nam. Cho nên, với tinh thần làm luật khoa học các nhà quản lý phải tạo ra môi trường công bằng, bình đẳng.  

Giải quyết đồng bộ khó khăn cho doanh nghiệp

Theo ông, nếu quyết định giảm thuế TNDN được thông qua sẽ có thể giải quyết được nhiều khó khăn cho DN không? 

- Thuế TNDN là một yếu tố thôi, điều nữa là cần phải giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), hiện nay mới là giãn, hoãn vì thực chất thuế TNDN chỉ là với những DN có lãi, có thu nhập tính thuế. 

Ngoài ra, theo tôi, để giải quyết đồng bộ khó khăn cho DN phải có chính sách kinh tế vĩ mô để kiềm chế lạm phát, giải quyết nợ xấu và cuối cùng là giúp DN tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng lúc này.

Liên quan đến Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Thuế VAT, ông nhận xét thế nào, có những điểm nào cần phải bổ sung?

- Việc sửa đổi Luật Thuế VAT cũng chưa thể hiện được bước tiến mới trong quản lý. Theo chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011 - 2020, thì việc cải cách thuế VAT cần đạt được mục tiêu "giảm bớt nhóm hàng hóa dịch vụ chịu thuế suất 5%, tiến tới chỉ còn một mức thuế suất”. Song lần sửa đổi này, Luật Thuế VAT vẫn giữ 3 mức thuế suất 0%, 5% và 10%. Nếu cứ theo lộ trình, sau khi thực hiện các mức thuế suất thì sau 2 - 3 năm lại phải sửa đổi Luật để tiếp tục thực hiện.

Vấn đề quan trọng thứ hai của Luật Thuế là phương pháp tính thuế. Chiến lược cải cách thuế đã xác định hướng hoàn thiện phương pháp tính thuế là tiến tới cơ bản thực hiện phương pháp khấu trừ thuế, bổ sung quy định xác định cơ chế thu đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ mới phát sinh theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, Dự thảo sửa đổi Luật vẫn áp dụng cả 2 phương pháp: Khấu trừ và trực tiếp (trên cơ sở xác định ngưỡng doanh thu tính thuế).

Luật Thuế VAT cần có ưu điểm là dễ thu, thu nhanh, tạo nguồn thu quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách, khuyến khích đẩy mạnh sản xuất, tăng cường đầu tư tài sản cố định, thúc đẩy hội nhập. Song song với việc hoàn thiện dự luật, Bộ Tài chính cần tích cực chuẩn bị các điều kiện triển khai thi hành Luật sớm, có hiệu lực cùng với thời điểm với Luật Thuế TNDN và năm tài chính. Để đến tận tháng 7/2014 mới thực hiện là muộn, trong khi tình hình rất bức thiết. 

Xin cảm ơn ông!